Mắc bẫy tín dụng đen: Nhiều người nghèo "bỗng dưng" mất nhà
Tại Hội thảo Giải cứu người nghèo khỏi bẫy "tín dụng đen" do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển và Công ty Luật Trường Lộc tổ chức tổ chức chiều 7/9 đã có một số nạn nhân than thở: "Khi gia đình chúng tôi đang ở, bỗng thấy cán bộ của một số ngân hàng đến xem xét để thu hồi nhà đất của chúng tôi. Lúc này mới biết tài sản của mình bị người cho mình vay tiền sang tên, đem thế chấp cho ngân hàng."
Nạn nhân Nguyễn Thị Lệ (ngồi giữa) chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
|
Bỗng dưng mất nhà
Bà Nguyễn Thị Lệ (Ngọc Thụy-Long Biên-Hà Nội) một trong những nạn nhân cho biết, gia đình bà đã vay 135 triệu đồng của một đối tượng (bà không nhớ rõ tên vì vay qua môi giới) với lãi suất 0,6%/tháng, tài sản thế chấp là quyển sổ đỏ của gia đình gồm một căn nhà hai tầng và 185m2 đất. Trong quá trình vay nợ bà cũng đã một vài lần ký giấy tờ với đối tượng trên nhưng không biết là giấy tờ gì. Sau một thời gian đến hạn trả nợ, gia đình bà đã tìm đối tượng này nhưng chẳng ai biết đối tượng đã đi đâu, điện thoại cũng không liên lạc được.
"Đến khi cán bộ ngân hàng đến yêu cầu phát mại tài sản bảo lãnh, tôi mới biết mình bị lừa vì nhà đất của mình đã được sang tên cho người khác và đem thế chấp ngân hàng vay hơn 2 tỷ đồng," bà Lệ chia sẻ.
Một câu chuyện đau lòng khác được anh Vũ Anh Tuấn (Hà Nội) chia sẻ tại hội thảo: Do thiếu tiền kinh doanh, không vay vốn được từ ngân hàng, trong năm 2013, cả chục hộ gia đình, trong đó có gia đình anh đã đến Công ty Cổ phần Cát Nam Phong, trụ sở tại tòa nhà M3 + M4, Nguyễn Trí Thanh, Đống Đa (Hà Nội) vay tiền. Công ty này do bà Nguyễn Thị Hải Yến làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Công ty Cát Nam Phong cho ông Tuấn vay khoảng hơn 300 triệu đồng, lãi suất tính theo ngày. Để nhận được khoản tiền vay, ông Tuấn được lãnh đạo công ty đề nghị ký hợp đồng chuyển nhượng và giao "sổ đỏ" để làm tin, đảm bảo nghĩa vụ trả lãi và gốc.
"Chúng tôi tin là như vậy vì giữa chúng tôi và chị Yến không bàn giao nhà, không nhận tiền chuyển nhượng," ông Tuấn cho hay.
Đến năm 2014, khi các cán bộ ngân hàng đến xem xét nhà để thu hồi, gia đình ông Tuấn mới biết tài sản của mình đã bị bà Yến đem thế chấp cho ngân hàng để vay tiền. "Lúc này chúng tôi mới biết mình đã bị lừa khi ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho bà Yến. Tưởng hợp đồng ký đó chỉ để làm tin, bởi gia đình chúng tôi vẫn sống trong ngôi nhà này, không có bất kỳ ai đến đo đạc, xem xét, kiểm tra, đánh giá các văn bản giấy tờ để thế chấp ngân hàng," ông Tuấn ngậm ngùi chia sẻ.
Ông Tuấn cho biết thêm, các nạn nhân đã gửi rất nhiều đơn tố cáo đến cơ quan công an, ngân hàng cho bà Yến vay tiền, Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay tất cả các bên đều chưa có văn bản phúc đáp lại và giải quyết đơn tố cáo.
Một dẫn chứng khác được ông Chu Quang Tiến, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội cho biết, qua quá trình tham gia điều tra phá án của mình đã có nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười xung quanh vấn đề này. Ông Tiến đưa ra ví dụ về một bản án thi hành cho một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội có tới 16 hộ gia đình ở Cần Kiệm, Thạch Thất bị lừa đảo vay tiền của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh An (trong đó có nguyên Chủ tịch xã) thông qua Hợp đồng mua để vay vốn. Trong khi đó, người đi vay tín dụng đen vẫn chiếm hữu, sử dụng nhà đất của mình.
Khi các đối tượng "tín dụng đen" vay và rút tiền ngân hàng để sử dụng vào mục đích riêng với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng, không có khả năng thanh toán hợp đồng tín dụng, ngân hàng đã yêu cầu phát mại tài sản bảo lãnh, thế chấp, Tòa án triệu tập giải quyết tranh chấp. Lúc này người có tài sản mới biết là nhà đất của mình đã được sang tên cho người khác hoặc bị thế chấp cho ngân hàng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+) Luật còn nhiều kẽ hở
|
Theo các chuyên gia, pháp luật hiện hành đang có nhiều kẽ hở, từ thủ tục công chứng hợp đồng, sang tên chuyên nhượng đến các chế tài xử lý vẫn chưa nghiêm cả về hành chính lẫn hình sự, nên người cho vay “tín dụng đen” đã lợi dụng để vi phạm mà không bị xử lý.
Bộ luật Dân sự quy định, nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố thì gọi là “cho vay nặng lãi.” Trong khi đó, Điều 163 của Bộ luật Hình sự quy định, hành vi cho vay lãi nặng bị xem là phạm tội khi: lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO phân tích, mặc dù mức cho vay nặng lãi cao hơn 150% so với lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố, nhưng vẫn chưa cao quá gấp 10 lần lãi suất mà pháp luật quy định, nên không xử lý theo pháp luật.
Trong thực tế thì từ năm 2011 đến nay nhiều tổ chức tín dụng đang “đứng ngoài” quy định này khi có rất nhiều khoản vay đã vượt mức trần lãi suất, vượt cả ngưỡng được luật cho phép là 13,5% nhưng vẫn không bị xử lý. Do đó khó có thể xử lý các cá nhân ngoài tổ chức tín dụng cho vay lãi suất cao.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cũng cho rằng, thực tế các giao dịch cho vay ngoài không bao giờ ghi "mức lãi suất” mà đó chỉ là giao dịch miệng nên rất khó chứng minh. Ngoài ra, việc chứng minh “có tính chất chuyên bóc lột” là điều khó khăn vì bản thân các giao dịch này thường được thể hiện dưới dạng thoả thuận dân sự như uỷ quyền, đặt cọc, vay tài sản... và đều được tự nguyện thực hiện, không lừa dối, cưỡng ép...
Để “tín dụng đen” không có đất tồn tại, các chuyên gia pháp lý, luật sư đều nhấn mạnh đến việc nâng cao khả năng quản trị tài chính, giúp người dân có được những kiến thức cơ bản về quản trị dòng tiền, quản trị rủi ro.
Thượng tá Trần Thị Thúy, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm-Bộ Công an nhấn mạnh, những hệ lụy từ “tín dụng đen” đang gây hại rất lớn cho xã hội. Cho nên, các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý, siết chặt các hoạt động cho vay, huy động vốn tự phát, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân nâng cao hiểu biết pháp luật, nhận biết và có ý thức cảnh giác cao trước những phương thức thủ đoạn của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”.
Về phía lực lượng công an sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, trong đó tập trung rà soát, nắm tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; khẩn trương điều tra xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật với những vụ việc đã xảy ra…
Còn theo giảng viên Luật Trần Quang Vũ, nên áp dụng mức mà Bộ luật Hình sự đưa ra là “trên 10 lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định” thì phải chịu trách nhiệm hình sự, không nên bó hẹp trong “mức lãi suất không quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố...” như Bộ Luật dân sự./.
Thúy Hà
vietnam+
|