Thứ Hai, 07/09/2015 21:28

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho hạ tầng giao thông

Nhu cầu cho hạ tầng giao thông ngày càng lớn trong khi ngân sách khá hạn hẹp nên cần có những rà soát tính toán quy hoạch lại hệ thống đồng thời tìm các nguồn lực mới để giải quyết vấn đề hạ tầng giao thông. Việc đầu tư phải gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập hiệu quả.

Đây là các nội dung được trao đổi tại Hội thảo với chủ đề: “Vốn cho phát triển hạ tầng giao thông: Nhu cầu và giải pháp” do Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức ngày 7/9.

3,2% dư nợ tín dụng cho hạ tầng

Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến là 1.009.398 tỉ đồng (khoảng 48 tỉ USD).

Những cải cách thể chế trong thời gian vừa qua đã đặt nền tảng cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, mặc dù phạm vi và mức độ tham gia còn nhiều hạn chế.

Do nhu cầu tăng cao, trong bối cảnh năng lực tài trợ từ nguồn vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách (ODA, trái phiếu) bị thu hẹp, yêu cầu quản lý rủi ro nợ công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công tăng cao, đột phá về thể chế chính sách nhằm khuyến khích khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam một cách tích cực hơn được đặt ra.

Ông Huỳnh Thế Du, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho rằng: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi thu nhập bình quân đầu người của một quốc gia bước vào ngưỡng 3.000 USD sẽ là lúc bùng nổ về đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Việt Nam chuẩn bị bước vào ngưỡng này. Ước tính sơ bộ, nếu Việt Nam dành khoảng 4% GDP đầu tư hạ tầng giao thông như hai thập kỷ vừa qua và GDP đạt mức tăng trưởng 7% mỗi năm, thì từ nay đến năm 2035, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông vào khoảng 350 tỉ USD. Nếu mức đầu tư cho hạ tầng giao thông trên dưới 2% GDP - một mức cao so với xu hướng chung của các nước ở cùng mức độ phát triển của Việt Nam thì con số cũng vào khoảng 200 tỉ USD.

Tỷ trọng dư nợ cho vay hạ tầng giao thông Việt Nam năm 2020 sẽ chiếm khoảng 3,2% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế (giả sử tăng trưởng tín dụng mức bình quân hàng năm là 15%, dư nợ cho vay toàn nền kinh tế sẽ vào khoảng 9.675.000 tỉ đồng vào năm 2020).

Đầu tư có trọng điểm và đa dạng hóa nguồn vốn

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV cho rằng, nguồn vốn tín dụng cần có tính toán rõ ràng và đảm bảo triển khai an toàn cho hệ thống. Cần phải đảm bảo tính thanh khoản hệ thống thông qua việc nghiêm khắc tuân thủ quy định giới hạn sử dụng không quá 60% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.

BIDV cũng đã đề xuất một số giải pháp mang tính chiến lược cho bài toán vốn cho hạ tầng giao thông. Đó là cần xây dựng cơ chế để các Quỹ đầu tư tài chính trong và ngoài nước, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tham gia đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng; Xem xét thành lập Công ty tài chính hoặc giao nhiệm vụ cho tổ chức tài chính trong nước đóng vai trò đầu mối trong việc huy động vốn từ nhiều nguồn khác và cho vay các dự án hạ tầng giao thông.

Ông Hà cho rằng, cần phát triển đa dạng các kênh huy động vốn dài hạn và chuyên biệt phục vụ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông

Nguồn vốn xã hội hóa cần tiếp tục duy trì mức đóng góp khoảng 34% tổng vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Trong đó cần đẩy mạnh các nguồn vốn ngoài ngân sách khác để giảm sức ép cho nguồn vốn tín dụng cho ngân hàng.

Cần xem xét hình thành các quỹ hỗ trợ, phát triển phương thức hợp tác công-tư (PPP)  với nguồn hình thành các quỹ là từ các nguồn thu có phát sinh liên quan đến sử dụng hạ tầng giao thông như: đấu giá biển số xe, các loại phí (xăng dầu, bến bãi...); nguồn thu từ quản lý và khai thác tài sản hạ tầng giao thông...Về phía ngân hàng, đại diện BIDV cho biết sẽ tiếp tục dành hạn mức khoảng 40.000 tỉ đồng tài trợ cho các dự án xã hội hóa giao thông đường bộ. Các dự án phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đặc biệt là các dự án đấu nối các vùng kinh tế trọng điểm và 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Về giao thông quốc tế, BIDV sẽ tiếp tục tài trợ các tuyến đường qua Lào, phục vụ nhu cầu giao dịch thương mại hàng hóa giữa các nước trong khu vực.

Trong lĩnh vực đường thủy, BIDV cam kết dành 10.000-15.000 tỉ đồng để triển khai dự án kênh Quan Chánh Bố, kênh Chợ Gạo thông qua hình thức hợp tác công-tư (PPP), với nguồn trả nợ từ phí cảng vụ và phí đảm bảo hàng hải. Theo tính toán đây là dự án khá hiệu quả có khả năng tiết kiệm chi phí vận tải đường thủy từ 30-35%, giảm được áp lực đối với lưu thông đường bộ, có khả năng sinh lời cao.

PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, với hạ tầng giao thông liên quốc gia, nguồn vốn đầu tư phát triển không thể dựa trên năng lực của một vài doanh nghiệp tư nhân trong nước. Cần có sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế với tiềm lực to lớn, như ADB, để đảm bảo cho sự thành công của chiến lược.

Trong bối cảnh hiện nay, hạ tầng giao thông đường sắt sẽ là một trong những điểm cần ưu tiên hàng đầu. Sự phát triển của hạ tầng giao thông đường sắt không chỉ giúp giảm tải cho hạ tầng giao thông đường bộ, mà còn giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển và lưu kho so với việc sử dụng hạ tầng giao thông đường bộ.

Huy Thắng

Chính phủ

Các tin tức khác

>   TPHCM: Cả năm kiều hối có thể đạt 5,5 tỉ đô la Mỹ (07/09/2015)

>   NHNN ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng (07/09/2015)

>   Bảo lãnh ngân hàng cho nhà ở hình thành trong tương lai: Liệu có khả thi? (07/09/2015)

>   Sacombank trao 3,094 suất học bổng cho học sinh - sinh viên trên toàn quốc (07/09/2015)

>   Không bắt buộc mua bảo hiểm khi vay gói 30.000 tỷ (07/09/2015)

>   Ngân hàng đã bớt kiểu “chú nó khôn” (07/09/2015)

>   Thấp thỏm chờ lương tăng theo tỷ giá (06/09/2015)

>   EVN đăng ký đấu giá hơn 81 triệu cp ABBank giá 10,000 đồng/cp (07/09/2015)

>   VIB: Sắp phát hành 59.6 triệu cp tăng vốn lên 4,845 tỷ đồng (07/09/2015)

>   Room ngân hàng, tin đồn và tin thật (05/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật