Làm rõ nguyên nhân nữ doanh nhân trà chết tại Trung Quốc
Bà Hà Thúy Linh rời công ty ngày 19-9 để đi công tác Quảng Châu thì ngày 22-9, cơ quan chức năng Quảng Châu thông báo tìm thấy một thi thể nghi là bà Linh.
* Nữ doanh nhân Hà Linh chết đột ngột tại Trung Quốc
Bà Hà Thúy Linh tại một sự kiện tổ chức tại TP Đà Lạt - Ảnh: L.Thiên
|
Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng ngày 23-9 đã xác nhận thông tin bà Hà Thúy Linh (thường gọi là Hà Linh, sinh năm 1972, quê quán Đồng Tháp), phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng, tử vong đột ngột chưa rõ nguyên nhân tại Trung Quốc.
Bà Hà Linh là giám đốc Công ty trà ô long Hà Linh, doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực xuất khẩu trà ô long tại Lâm Đồng.
Doanh nghiệp của bà đưa hàng chủ yếu sang Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Ngoài kinh doanh trà, bà Hà Linh còn kinh doanh nhà hàng cà phê và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp.
Không thông báo lý do đi Trung Quốc
Theo thông tin từ Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng, hội nhận được thông tin bà Linh tử vong vào trưa 22-9 sau khi gia đình thông báo.
Bà Linh tử vong đột ngột khi đi công tác tại Trung Quốc để xử lý các công việc liên quan đến công ty với các đối tác tại Trung Quốc.
Luật sư Trương Quang Quý, người hỗ trợ pháp lý cho Công ty Hà Linh, cho biết bà Linh rời khỏi công ty vào ngày 19-9 để đi Quảng Châu (Trung Quốc). Trước khi đi không nói rõ lý do đi, chỉ thông báo đi công tác.
Đến khoảng 10g ngày 22-9 thì nhân viên của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM thông báo với Công ty Hà Linh rằng cơ quan chức năng tỉnh Quảng Châu tìm thấy một thi thể nghi là bà Hà Linh. Đồng thời mô tả các dấu hiệu nhận dạng, cũng như các thông tin cá nhân lấy từ hộ chiếu.
Sau khi đối chiếu với các thông tin cá nhân của bà Hà Linh tại công ty thì thấy trùng khớp. “Chúng tôi vẫn hi vọng chị giám đốc thử lòng anh em. Mong là sự thật không phải như thông báo của cơ quan chức năng phía Trung Quốc” - ông Quý tâm sự.
Trong khi đó ông Trần Thanh Hoài, phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Lâm Đồng, cho biết ngay khi gia đình thông báo về tình hình của doanh nhân Hà Linh, sở đã thực hiện ngay quy trình bảo hộ công dân:
“Chúng tôi lập tức liên lạc với cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình doanh nhân Hà Linh.
Đồng thời, thông tin cho Sở Ngoại vụ TP.HCM đề nghị làm đầu mối làm việc với Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM và yêu cầu thực hiện sớm các thủ tục để gia đình và đại diện công ty sang Trung Quốc giải quyết các vấn đề liên quan.
Đến chiều 23-9, visa cho thân nhân bà Hà Linh và đại diện công ty đã được cấp”.
Ông Hoài cho biết thêm: “Chúng tôi vẫn chờ đợi thông tin chính thức bằng văn bản từ cơ quan chức năng Trung Quốc. Tỉnh đã đề nghị Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cũng có công hàm đề nghị phía Trung Quốc tích cực điều tra, xác minh vụ việc liên quan đến công dân của tỉnh”.
Hàng chủ yếu bán cho Đài Loan, Trung Quốc
Bà Hà Linh trước là phó giám đốc Công ty trà Haiyih. Đây là công ty do chồng bà, một người Đài Loan, thành lập.
Sau khi bà và chồng chia tay thì bà thành lập Công ty trà ô long Hà Linh vào năm 2008. Hiện Công ty Hà Linh đang sở hữu khoảng 200ha chè ô long tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt. Đây là vùng chè nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng.
Theo thống kê từ Công ty Hà Linh, mỗi ngày đơn vị này sản xuất khoảng 14 tấn trà ô long thành phẩm và thô. 60% sản lượng được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan và Trung Quốc.
Công ty Hà Linh xác nhận đa số đối tác của công ty tại hai thị trường này đều có nợ một số tiền nhất định với công ty.
Năm 2014 tại Đài Loan, Trung Quốc có tin đồn trà Lâm Đồng bị nhiễm dioxin. Công ty Hà Linh (Đà Lạt) là đơn vị bị thiệt hại nặng từ tin đồn này. Thời điểm đó, 11 tấn trà ô long bị ách tại Đài Loan chờ thông quan. Công ty Hà Linh đã thiệt hại hơn 2 tỉ đồng do trà xuất khẩu chậm.
Sau đó bà Hà Linh đã đến Đài Loan thực hiện các động tác giải vây tin đồn ác ý nghi do các đối tác cạnh tranh ngay tại Đài Loan tung ra.
Hoạt động mua bán vẫn bình thường
Luật sư Trương Quang Quý cho biết Công ty Hà Linh đã thành lập ban giám sát tạm thời để điều hành toàn bộ hoạt động của công ty. Các hoạt động mua bán, xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường.
Bên cạnh đó, toàn bộ công nợ của công ty tại Việt Nam cũng như nước ngoài sẽ được tạm tổng kết và có hướng xử lý sau. Công ty sẽ có văn bản thông báo đến tất cả đối tác.
|
M.Vinh
tuổi trẻ
|