“Cái lý” của Bộ Tài chính
Bộ Tài chính phải có một câu trả lời cho dân, rằng vì sao một mặt đề xuất cấm xuất cảnh đối với công dân nợ thuế từ 50 triệu đồng, mặt khác lại đề nghị xóa nợ cho DNNN làm ăn thua lỗ.
Cũng vẫn chỉ là chuyện thu thuế. Nhưng đang có tới hai “cái lý” ngược nhau cùng tồn tại.
Tháng trước, các DN dựng tóc gáy khi Bộ Tài chính đệ trình quy định cấm xuất cảnh đối với công dân nợ thuế từ 50 triệu đồng. Nợ ở đây là nợ thuế, nợ phí, nợ lệ phí, nợ các khoản thu về đất đai, nợ tiền chậm nộp, nợ tiền phạt vi phạm hành chính… Tức là cứ có nợ là cấm. Không đi đâu hết. Ở nhà trả nợ đã.
Mà làm thật chứ không dọa suông. Ai chưa tin thì cứ nhìn danh sách doanh nghiệp nợ thuế hằng năm bị…. bêu dương!
“Cái lý” khi ấy là ngân sách đang thâm thủng. “Cái lý” là công bằng xã hội khi có quan chức ngành thuế nói đại ý không thể tồn tại tình trạng người nghiêm túc nộp thuế cũng chẳng khác gì “kẻ” trây ỳ! “Cái lý” khi ấy là một con số không thể không thuyết phục hơn: Tổng số nợ thuế tính đến thời điểm tháng 7.2015 vượt mốc 74.000 tỉ đồng.
Nhưng cũng là những “cái lý”, cũng số tiền chục ngàn tỉ, nhưng có lẽ những DN bị bêu dương, những doanh nhân tiềm năng của lệnh cấm xuất cảnh sẽ cảm thấy ấm ức khi trong hẳn một dự thảo Luật về quản lý thuế, Bộ Tài chính đang đề nghị xóa nợ cho các DNNN.
“Cái lý” của việc xóa nợ là vì “kinh tế trong nước tiếp tục khó khăn… thế giới diễn biến phức tạp”. “Cái lý” là áp lực lạm phát, là bất ổn vĩ mô. “Cái lý” thậm chí là cả thiên tai, cả tai nạn… Tức là những “cái lý” mẫu số chung mà người ta hoàn toàn có thể đưa vào… báo cáo thành tích.
Chỉ kỳ lạ, đây lại là những cái lý để Bộ Tài chính xin xoá nợ tiền chậm nộp và phạt chậm nộp thuế, theo tính toán, lên tới 10.000 tỉ đồng.
Nhưng sự nguy hiểm không nằm ở con số 10.000 tỉ này. Với “cái lý” là để giải quyết dứt điểm các khoản nợ tồn tại cũ, một quan chức Bộ Tài chính cho biết, tiến tới sẽ là sửa luật theo hướng đương nhiên xóa nợ trong một số trường hợp cho DNNN.
Quy định này, nhìn thấy ngay là đang tạo ra một sự phân biệt giữa các thành phần DN, những người đều đang phải chịu những tác động xấu, đang tạo ra bất bình đẳng xã hội khi “tặng quà” trong trường hợp nợ thuế là trây ỳ. Và tạo ra tiền lệ xấu về một “cái phao” xóa nợ cho riêng một loại DN lãi thì chia nhau, lỗ thì bổ vào giá thành, nợ thì nhân dân chịu.
Xin hãy đọc kỹ lại cái lý: Xóa nợ là vì thua lỗ!
Đào Tuấn
lao động
|