Thứ Tư, 23/09/2015 09:22

Kiểm tra theo kiểu “bắt lầm hơn bỏ sót”

Cùng một mặt hàng, một nguồn cung cấp, nhập khẩu nhiều lần, trong nhiều năm mà lần nhập khẩu nào cũng phải kiểm tra và đều đáp ứng đúng quy định nhưng vẫn tiếp tục phải kiểm tra. 

 

Các doanh nghiệp dệt may bức xúc cho biết gặp nhiều khó khăn vì kiểm tra chuyên ngành. Trong ảnh: công nhân may Công ty CP May Sài Gòn 2, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Nhiều doanh nghiệp đã cho biết như vậy tại hội thảo về thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde, các amin thơm đối với các sản phẩm dệt may theo quy định tại thông tư 32 (2009), được Tổng cục Hải quan và dự án USAID GIG tổ chức ngày 22-9 tại TP.HCM.

Bà Phạm Kiều Oanh, phó tổng giám đốc May Nhà Bè, cho biết nhiều năm nay doanh nghiệp quá khốn khổ vì các quy định kiểm tra này bởi nó không chỉ tốn kém về chi phí mà còn gây mất nhiều thời gian, công sức.

Theo bà Oanh, với 116 chuyến hàng nhập khẩu trong chín tháng đầu năm nay, chi phí kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp lên đến 10.724 USD (93 USD/chuyến hàng), chưa kể phải mất ba ngày lô hàng mới được thông quan.

Đại diện Công ty Maison cũng bức xúc cho biết tốn gần 3 tỉ đồng/năm cho phí kiểm dịch dù chưa vi phạm quy định này lần nào.

Theo ông Phạm Thanh Bình - chuyên gia dự án GIG (USAID), khảo sát tại hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy từ khi thực hiện thông tư 32 (2009) đến nay, mỗi năm có khoảng 8.000 lô hàng dệt may làm thủ tục nhập khẩu tại đơn vị này phải kiểm tra hàm lượng formaldehyde, nhưng chỉ có sáu trường hợp (0,0125%) không đáp ứng hàm lượng quy định.

Theo khảo sát tháng 8-2015 của GIG, thời gian này phổ biến là 48 giờ (hai ngày), một số trường hợp tới năm ngày, cá biệt có trường hợp (vải kỹ thuật) tới 15 ngày.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là một loại “giấy phép con” gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, việc kiểm tra chỉ là hình thức, không có hiệu quả thực tế.

Theo bà Phạm Thu Giang - vụ phó Vụ Khoa học và công nghệ, Bộ Công thương, quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyde (những chất được cảnh báo có khả năng gây ung thư) trên sản phẩm dệt may nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và các nước đều có quy định ngưỡng của những chất này.

Việc kiểm tra nguyên liệu sản xuất cũng đảm bảo doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm an toàn, tránh gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp vì khi phát hiện sản phẩm có hàm lượng formaldehyde vượt ngưỡng cho phép, sản phẩm của doanh nghiệp phải được xử lý lại hoặc tiêu hủy.

Tuy nhiên, bà Giang cho biết sẽ tiếp thu ý kiến, làm việc với các cơ quan, tổ chức kiểm định để xem xét có thể làm giảm lượng lấy mẫu.

Trong khi đó, đại diện Bộ Công thương cho rằng đối với sản phẩm dệt may, mỗi lô hàng nhiều hay ít đều có thể xử lý nhuộm, giá cả giữa hóa chất đảm bảo chất lượng và kém chất lượng chênh nhau rất lớn, việc thay hóa chất nhuộm lại đơn giản, nên nếu kiểm tra vài lần rồi thả, lập tức doanh nghiệp có thể thay hóa chất.

N.Bình

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Mời nước ngoài đầu tư 9 dự án đường sắt (23/09/2015)

>   Làm ăn hiệu quả cũng khó vay vốn (23/09/2015)

>   Chỉ DN trong nước được làm du lịch trên đèo Hải Vân (22/09/2015)

>   “Việt Nam hưởng lợi từ giá nhân công cao của Trung Quốc” (22/09/2015)

>   EVN không phải đơn vị làm giá điện cho Nhà nước (!?) (22/09/2015)

>   Sắp tăng thuế nhập khẩu xe tải từ Trung Quốc (22/09/2015)

>   Vụ phá rừng lớn ở Quảng Nam-Đà Nẵng: Đề nghị truy tố 19 bị can (04/03/2016)

>   Phê duyệt quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (22/09/2015)

>   Thiếu nhà máy xử lý rác, Phú Quốc đối mặt ô nhiễm môi trường (22/09/2015)

>   Thép VN xuất khẩu sang Ấn Độ bị áp thuế 20% (22/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật