Kêu lỗ do tỷ giá, TKV xin Bộ Công Thương cho bù vào giá điện
Phát biểu tại buổi giao ban do Bộ Công Thương tổ chức sáng 3/9, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, do chênh lệch tỷ giá đã làm phát sinh khoản lỗ cho tập đoàn khoảng 1.200 tỷ đồng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: evn.com.vn)
|
Do vậy, lãnh đạo TKV đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét cho tính khoản chênh lệch tỷ giá này vào giá thành điện, bởi theo ông Tuấn, tại thông tư 56/TT-BCT của Bộ Công Thương cũng cho phép được tính toán khoản phát sinh này vào giá thành điện.
"TKV kiến nghị Bộ Công Thương xem xét để tập đoàn có thể bổ sung chi phí này vào giá thành sản xuất điện, hoặc cho doanh nghiệp có thể được giảm, giãn thời gian nộp thuế...," ông Vũ Anh Tuấn nói.
Không đưa ra con số cụ thể nhưng lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho rằng, chênh lệch tỷ giá cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chỉ tiêu tài chính của PVN, ước tính sản lượng điện do tập đoàn này cung cấp cho lưới điện quốc gia đến thời điểm hiện nay là trên 100 tỷ kWh.
Mặc dù chia sẻ với những khó khăn của các tập đoàn khác nhưng trước các ý kiến đưa ra, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại tỏ ra lo lắng.
Theo đánh giá của ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chênh lệch tỷ giá đã ảnh hưởng đến lĩnh vực điện là rất lớn, riêng tỷ trọng điện của TKV chiếm 10-15% toàn hệ thống đã phát sinh lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng, chưa kể các nhà máy sản xuất điện khác của PVN cũng ảnh hưởng rất nhiều.
Lãnh đạo EVN cho hay, nếu cộng tất cả các con số mà cả TKV và PVN đưa ra trong lĩnh vực điện thì khả năng khoản phát sinh lỗ do tỷ giá có thể gấp hơn 10 lần con số 1.200 tỷ đồng do TKV thống kê.
"Về phía tập đoàn cũng đang thống kê số liệu để báo cáo Bộ Công Thương để có hướng giải quyết, nó có ảnh hưởng rất lớn đến ngành điện nói chung. Nếu tất cả các đơn vị điện của TKV, PVN cũng lại đưa hết vào giá điện sẽ tác động rất lớn tới bức tranh tài chính của tập đoàn," ông Ngô Sơn Hải nói.
Thống kê của EVN, sản lượng điện 8 tháng ước đạt 105,1 tỷ kWh, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sản xuất 42,47 tỷ kWh, các đơn vị ngoài EVN sản xuất 62,58 tỷ kWh và nhập khẩu khoảng 1,17 tỷ kWh.
Đưa ra ý kiến về vấn đề trên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, diễn biến tỷ giá trong thời gian qua đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những kiến nghị nhằm bù đắp vào giá thành sản xuất điện, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp và gửi ý kiến trình Chính phủ xem xét.
Nhìn nhận việc Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lại tỏ ra khá lạc quan bởi nhiều doanh nghiệp có thể nhập được nguyên liệu giá rẻ, sau đó xuất khẩu và thu lợi từ các thị trường khác.
"Về phía Bộ Công Thương cũng đã đánh giá một cách nghiêm túc những tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Chính sách có độ trễ và cần theo dõi thêm trong những tháng tới," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Trước đó, ngày 19/8, Ngân hàng nhà nước đã công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD (mức điều chỉnh tăng 1%), đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, việc điều chỉnh tăng thêm 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ lên +/-3% có dư địa đủ lớn để linh hoạt ứng phó trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, qua đó, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam./.
Đức Duy
vietnam+
|