Quảng Ninh: Vốn 20 tỷ, làm dự án 300 tỷ
Một biên bản đối chiếu công nợ cho thấy hai doanh nghiệp đã có dấu hiệu chuyển nhượng dự án cho nhau lên đến hàng chục tỷ đồng.
Tự nguyện trả hay mua bán dự án?
Theo đó, dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng và kho bãi container trước đây do Công ty Cổ phần 12-11 Hạ Long làm chủ đầu tư và được Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cấp Giấy CNĐT số 22221000042 ngày 24/9/2010. Tuy nhiên, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên Công ty Cổ phần 12-11 Hạ Long đã đề nghị được chấm dứt (thôi không) thực hiện dự án. Ban Quản lý Khu kinh tế đã ban hành Quyết định số 136/QĐ-KKT chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng và kho bãi Container tại KCN Cái Lân do Công ty Cổ phần 12-11 Hạ Long làm chủ đầu tư.
Ngày 12/9/2013, Công ty cổ phần Cảng Thái Hưng có văn bản xin tiếp nhận và tiếp tục thực hiện dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng và kho bãi container tại đồi Ghềnh Táu, KCN Cái Lân, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long. Với đề xuất này, Ban Quản lý Khu kinh tế đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 22221000081 chứng nhận lần đầu ngày 23/10/2013 cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần cảng Thái Hưng để tiếp tục triển khai dự án.
Bảng đối chiếu công nợ giữa Công ty cổ phần Cảng Thái Hưng và Công ty Cổ phần 12-11 Hạ Long
|
Tuy nhiên, theo một biên bản thanh toán công nợ được lập năm 2013 giữa Công ty Thái Hưng và Công ty Cổ phần 12-11 Hạ Long cho thấy, trước khi xin “rút lui” khỏi dự án, Công ty Thái Hưng đã trả cho Công ty Cổ phần 12-11 Hạ Long số tiền 27,9 tỷ đồng để mua lại dự án đồi Ghềnh Táu.
Vốn 20 tỷ đồng, làm dự án 300 tỷ đồng!
Được tiếp nhận làm chủ đầu tư dự án gần 300 tỷ đồng, tuy nhiên, theo đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, thì tại báo cáo tài chính được lập ngày 30/7/2013, vốn chủ sở hữu của Công ty Cổ phần Cảng Thái Hưng tại thời điểm báo cáo là 20 tỷ đồng. Với số vốn ít ỏi đó, nhưng phía Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh vẫn cho rằng công ty cam kết chuẩn bị đầy đủ kinh phí để thực hiện dự án, dùng toàn bộ số tiền 2.330.501,6 USD (tương đương 49.173.583.760 VNĐ) làm vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án theo tiến độ được phê duyệt.
Với số vốn ít ỏi như vậy so với tổng mức đầu tư dự án gần 300 tỷ đồng, dư luận đặt câu hỏi năng lực tài chính của Công ty Cổ phần Cảng Thái Hưng liệu có đủ đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ, hay lại dẫm phải ”vết xe đổ” của chủ đầu tư trước và trả lại dự án trong sự ngỡ ngàng của cơ quan chức năng?
Công ty cổ phần Cảng Thái Hưng ngày đêm "xẻ thịt" đồi Ghềnh Táu
|
Trong khi đó, sau khi được tiếp nhận dự án, mặc dù cam kết thực hiện triển khai theo đúng tiến độ đúng như giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp, tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, sau khi được làm ”ông chủ” dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng và kho bãi container, Công ty Thái Hưng đã huy động máy móc, xe ô tô để “đào bới” đồi Ghềnh Tàu nhằm chuyển số lượng đất đá khổng lồ bán cho một doanh nghiệp khác ngay tại Vịnh Hạ Long. Trong quá trình vận chuyển đất từ đồi Ghềnh táu, người dân đã rất bức xúc mang vật cản ra chặn đường ngăn đoàn xe của Công ty Thái Hưng vận chuyển vật liệu từ đồi Ghềnh Táu ra phường Bãi Cháy.
Đoàn xe có logo Công ty Thái Hưng đang vận chuyển đất từ đồi Ghềnh Táu để đổ xuống một dự án gần đó.
|
Người dân bức xúc mang nhiều vật dụng ra chắn đường
|
Trả lời phóng viên ANTT, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Cái Lân cho biết, hiện nay Công ty Thái Hưng đang bốc xúc san lấp mặt bằng dự án, số đất đá tại đồi Ghềnh Táu được Công ty Thái Hưng ký hợp đồng với nhà thầu là Công ty TNHH Olympia để đưa đất đá san lấp cho một dự án gần khu vực cầu Bãi Cháy.
Dư luận đặt ra câu hỏi, ai sẽ làm rõ “nghi án” chuyển nhượng dự án 27,9 tỷ đồng này giữa hai doanh nghiệp là Công ty Thái Hưng và Công ty Cổ phần 12-11 Hạ Long? Số tiền thuế của Nhà nước liệu có bị thất thu khi dấu hiệu chuyển nhượng dự án chưa được làm rõ? Bên cạnh đó, sau khi tiếp nhận dự án, Công ty Thái Hưng đã ký hợp đông với doanh nghiệp khác để bán lại số đất lớn tại đồi Ghềnh Táu. Câu hỏi đặt ra là liệu số tiền thuế từ việc bán đất này có được kiểm soát và đã được doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như thế nào?
ANTT.VN sẽ tiếp tục cập nhật…
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thu hồi đất của doanh nghiệp
Trước đó, Công ty TNHH Hoài Nam đã có đơn gửi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phản ánh một số nội dung liên quan đến việc tỉnh Quảng Ninh thu hồi đất của doanh nghiệp nghiệp này.
Theo đó, thực hiện quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả giải quyết để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, ngày 11/2/2015, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Đỗ Thông, đã ký Quyết định số 456 về việc thu hồi 14.771m2 đất của Công ty TNHH Hoài Nam Quảng Ninh tại phường Bãi Cháy. Theo đại diện Công ty Hoài Nam, diện tích đất thu hồi này sẽ được cấp cho công ty khác cùng ngành nghề triển khai dự án. Việc thu hồi đất mà doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của công ty. Trong khi đó, doanh nghiệp này vẫn có nhu cầu thuê lại diện tích đất nói trên để tiếp tục ổn định sản xuất.
Được biết, sau khi ký Quyết định số 456, thì chỉ mấy tháng sau, ông Đỗ Thông chính thức nhận quyết định nghỉ hưu theo quy định.
|
Thiên Di – Thủy Tiên
an ninh tiên tệ
|