Cục Điện ảnh không còn khả năng nộp hàng tỷ đồng
Đây là thông tin từ Cục Điện ảnh khi thực hiện Kết luận Thanh tra số 56/KL-TTr về công tác quản lý thu chi, tài chính của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).
Theo Kết luận Thanh tra, Cục Điện ảnh còn nhiều thiếu sót trong quản lý thu chi tài chính: Một số sổ sách không có dấu của đơn vị, hóa đơn tài chính, phí, lệ phí không có chữ kí của người mua hàng. Một số nghiệp vụ tài chính phát sinh chưa đảm bảo tính chặt chẽ, hợp lệ với chế độ Nhà nước và Quy chế Chi tiêu nội bộ của đơn vị. Trong đó: Chi không đúng nguồn hơn 12 triệu đồng; chi không căn cứ, không theo quy định tại Thông tư 97 của Bộ Tài chính như: Chi thù lao, hội họp sơ kết, tổng kết với tổng số 40,6 triệu đồng; chi xây dựng báo cáo, viết thông cáo báo chí... năm 2012 là gần 102 triệu đồng, năm 2013 là gần 81 triệu đồng...
Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Phan Đình Thanh cho biết, Cục đã cơ bản tiếp thu và khắc phục những thiếu sót, chủ yếu trong Quy chế Chi tiêu nội bộ; bổ sung những thiếu sót trong thu chi tài chính không theo kịp những Nghị định, quy định hiện hành.
Kế toán trưởng Phạm Thu Hà bổ sung thêm với những khoản chi không đúng nguồn, Cục Điện ảnh cũng đã bắt đầu khắc phục. Bà Hà giải thích thêm, Cục Điện ảnh cũng đã có giải trình, kiến nghị vì đến năm 2013, Cục Điện ảnh không được cấp kinh phí hoạt động sự nghiệp thường xuyên, trong khi cơ quan phải thực hiện rất nhiều hoạt động sự nghiệp như: Tổ chức liên hoan phim, tổ chức tuần phim... các chi phí phục vụ, chi phí chung thì Cục lập dự toán. Đến năm 2014, Bộ VHTTDL đã cấp kinh phí sự nghiệp thường xuyên chi các khoản này nên những thiếu sót cơ bản đã được khắc phục.
Đến nay, Cục Điện ảnh chưa thu nộp ngân sách Nhà nước 308 triệu đồng của Cty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương; chưa thực hiện nộp ngân sách Nhà nước 1,7 tỷ đồng theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2013.
Theo bà Hà, nội dung kiến nghị trên là đúng quy định nhưng trên thực tế, khoản tiền 308 triệu đồng của Cty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã được Cục Điện ảnh và Cty này đề nghị Bộ VHTTDL xem xét làm rõ lại. Còn khoản 1,78 tỷ đồng trên thực tế Cục không có nguồn và không còn khả năng để nộp vào ngân sách Nhà nước. Đây cũng là khoản tiền liên quan đến vụ việc thất thoát tại Cục Điện ảnh năm 2011 do kế toán thời điểm đó làm giả hồ sơ, chứng từ (thuộc vụ án đã được cơ quan Công an điều tra, xử lý).
Liên quan tới kế toán thời điểm năm 2011 là Phạm Thanh Hải, kết luận thanh tra chỉ rõ khoản treo nợ phải thu của Hải là 41,8 tỷ đồng, trong đó, khoản kinh phí 29,8 tỷ đồng đã được khoanh nợ theo Công văn 3606 của Văn phòng Chính phủ. Còn lại 11,9 tỷ đồng đã thanh toán Kho bạc nhưng không có chứng từ lưu tại đơn vị, không rõ nội dung chi. Trả lời nội dung này, bà Hà cho biết Cục Điện ảnh vẫn đang chưa biết làm gì.
Ngoài ra, một bất cập khác từ việc quản lý đất và trụ sở cũng được Thanh tra Bộ VHTTDL nêu rõ, theo Quyết định 689 năm 1992 của Bộ Văn hóa Thông tin và Giấy sử dụng đất số 4678 của UBND TP Hà Nội năm 1982, Cục Điện ảnh được giao quản lý trên 7.000m2 đất. Thế nhưng, thực tế sử dụng của Cục Điện ảnh chỉ có hơn 2.000m2, phần còn lại là khu tập thể của cán bộ, công nhân viên ngành Điện ảnh và 4 đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.
Theo ông Thanh, đây là yếu tố lịch sử đã tồn tại nhiều năm nên rất khó giải quyết. Chỉ biết rằng, việc cho các cơ quan trên mượn đất không tính phí và có sự đề nghị của Bộ chủ quản.
Tràng An - Thế Lữ
thanh tra
|