Thứ Năm, 03/09/2015 10:15

TPP trong lĩnh vực chăn nuôi: Không đổi mới là tự "nhấn chìm"

Ngành chăn nuôi sẽ chịu áp lực rất lớn khi hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP ) được ký kết. Bởi vậy, nhiều chuyên gia khuyến cáo nếu không muốn tự bị "nhấn chìm", ngành này cần phải được thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Giết mổ gia súc tại Trung tâm giết mổ gia súc Đà Sơn, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Trên thực tế, đối với một ngành mà tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu thì không cần phải tới khi các hiệp định thương mại được ký kết, người tiêu dùng sẽ tẩy chay và khiến những doanh nghiệp, hộ sản xuất không lành mạnh "gục ngã" trên thương trường.

Anh Nguyễn Văn Trung, chủ trang trại chăn nuôi gà tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội bày tỏ sự lo lắng khi gần đây nhận được nhiều thông tin giá gà ngoại nhập trong các siêu thị rẻ hơn nhiều lần so với giá gà của Việt Nam.

Anh chia sẻ “tính toán chi phí đầu vào, thuốc men và công sá chế biến tôi vẫn chưa thể hiểu nổi tại sao gà nhập ngoại lại có giá rẻ như vậy được. Tôi và các chủ trang trại đang hết sức lo lắng vì sợ cứ đà này, giá gà trong nước sẽ bị ép giá và chúng tôi sẽ lỗ nặng.”

Lo ngại của anh Trung cũng phải khi giá thịt gà, thịt lợn trong nước hiện đều đắt gấp 2-3 lần so với giá một số nước trên thế giới. Cụ thể, giá thành gà lông trắng của Việt Nam hiện khoảng 30.000 đ/kg, trong khi giá thịt gà đùi của Mỹ chỉ bán với giá 20.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn hơi của Việt Nam bán với giá 45.000-55.000 đồng/kg, đắt gấp 3 lần giá thịt lợn hơi bán tại thị trường Chicago (Mỹ) là 85-90 cent/kg (khoảng 15.000đồng/kg).

Rõ ràng, đây sẽ là bài toán cần phải giải quyết của các nhà quản lý khi Việt Nam sẽ chính thức tham gia TPP. Ngành chăn nuôi trong nước sẽ còn phải đối diện với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của hàng ngoại khi Việt Nam hội nhập sâu hơn kinh tế thế giới và khu vực.

Hiện nay, thuế nhập khẩu nông sản từ các nước ASEAN rất thấp, chỉ 0-5%. Trong khi đó, thuế áp lên các nước như Australia, New Zealand, Nhật Bản vẫn ở mức cao, đặc biệt ở mặt hàng thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm và thịt chế biến. Tuy nhiên, khi tham gia TPP, toàn bộ hàng rào thuế quan sẽ phải dỡ bỏ. Chính vì vậy, các ngành được bảo hộ bằng thuế quan (đặc biệt là nông nghiệp) sẽ bị tác động mạnh.

Báo cáo tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến ngành chăn nuôi Việt Nam của Viện Nghiên Cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy, đặc điểm của ngành chăn nuôi Việt Nam là sản xuất nhỏ lẻ, lệ thuộc vào nhập khẩu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… khiến năng suất thấp, sức cạnh tranh yếu và gây bất lợi về thương mại.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, chăn nuôi là ngành lớn thứ hai trong nông nghiệp của Việt Nam, tuy nhiên lại bị coi là ngành kém cạnh tranh, không bền vững và dễ chịu tác động xấu của các hiệp định thương mại tự do.

Trong ngành chăn nuôi, những lĩnh vực như chăn nuôi đại gia súc hoặc các ngành chăn nuôi lấy sữa sẽ gặp sự cạnh tranh rất mạnh của những nước có lợi thế rất lớn như Mỹ, Australia, Newzeland. Trong khi đó, ngành chăn nuôi hiện nay gặp rất nhiều các rào cản ở cấp độ vi mô như vấn đề về đất đai, về nguyên liệu, về tổ chức sản xuất, thị trường, kết nối thị trường…

Ông Thành cũng chỉ rõ những điểm yếu của ngành chăn nuôi Việt Nam. Theo đó, quy mô sản xuất của ngành chăn nuôi nhỏ không đáng tin cậy và dựa chủ yếu vào chăn nuôi hộ gia đình; ngành chăn nuôi lệ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu giống và thức ăn; trong khi đó, vấn đề dịch bệnh, vệ sinh giết mổ và an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế…

“Đây là những yếu tố nếu chúng ta không tháo gỡ cho các doanh nghiệp phát triển, chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP”, tiến sỹ Thành nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, tiến sỹ Tống Xuân Chinh , Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, hiện ngành chăn nuôi còn rất nhiều yếu kém. Trước hết, đầu vào thức ăn phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, dẫn tới chi phí sản xuất cao.

Trong khi, đối với chăn nuôi giá thành thức ăn chiếm tới 65-70% chi phí. So với các nước trong khu vực, giá thành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 10%.

Tiếp đó là vấn đề kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự hiệu quả. Mặc dù đa số các bệnh đều đã được kiểm soát nhưng một số loại dịch bệnh như lở mồm long móng, cúm gia cầm vẫn hoành hành, gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi.

Đặc biệt, một trong những điểm yếu cố hữu của ngành chăn nuôi Việt Nam là con giống. Hiện chất lượng con giống đưa tới người chăn nuôi chưa đảm bảo. Ngoài ra, tình trạng giết mổ chủ yếu là thủ công, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng góp phần làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu ngành chăn nuôi không giảm được giá thành sản xuất xuống bằng hoặc thấp hơn các nước, thì thị trường thực phẩm thịt ngoại sẽ chiếm lĩnh.

Hiện hai mặt hàng chủ lực trong chăn nuôi của nước ta là thịt bò và thịt lợn có điểm yếu là giá thành quá cao. Trong khi thịt bò Australia đưa sang Việt Nam với thuế nhập khẩu 5% và các khoản phí khác thì giá cũng chỉ nhích hơn một chút so với thịt bò trong nước. Điều này cũng dễ hiểu khi trong các siêu thị ở các thành phố lớn, thị bò Australia đã áp đảo thịt bò Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, để tạo ra sức cạnh tranh hơn và chống chọi với các hiệp định tự do thương mại, ngành chăn nuôi cần phải thay đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tiến sỹ Tống Xuân Chinh cho rằng, trước hết, Việt Nam cần loại bỏ một số khâu trung gian làm tăng giá thành. Thứ hai, Việt Nam cần mở rộng quy mô, vì hiện này chăn nuôi vẫn còn trên 50% sản phẩm gia cầm từ chăn nuôi nông hộ.

Để đảm bảo mở rộng quy mô cần giúp cho người dân tiếp cận được nguồn vốn, đất đai để mở rộng sản xuất, đồng thời phải hỗ trợ cho người chăn nuôi gia cầm liên kết sản xuất thông qua các hình thức như tổ hợp tác, đội hợp tác, hợp tác xã.

Ngoài ra, Việt Nam phải chủ động dần các nguồn thức ăn chăn nuôi, chủ động nguyên liệu sản xuất thức ăn trong nước mới có thể hạ giá thành tăng sức cạnh tranh trên thị trường./.

Quốc Huy

vietnam+

Các tin tức khác

>   “Bác” đề xuất giảm thuế cho lọc dầu Dung Quất (03/09/2015)

>   Doanh nghiệp quặng sắt: Thế và lực đều khó (03/09/2015)

>   Doanh nghiệp nhựa lo ngại trước đối thủ cạnh tranh từ Thái Lan (02/09/2015)

>   Bình Dương đầu tư tuyến đường 3.500 tỉ đồng nối TP.HCM (02/09/2015)

>   Chính phủ khẳng định không khai thác thêm dầu để bù hụt thu (01/09/2015)

>   Xử lý mạnh những doanh nghiệp Nhà nước chậm cổ phần hóa (02/09/2015)

>   Nguy cơ thất thu 1.200 tỷ thuế ôtô (01/09/2015)

>   Hàng Việt nguy cơ "lép vế" khi hội nhập do quá nhiều khâu trung gian (01/09/2015)

>   Thị trường điện cạnh tranh: Chưa phân hóa được nhóm lợi ích về điện (01/09/2015)

>   Tràn lan dùng chất cấm nuôi lợn (01/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật