Thứ Năm, 17/09/2015 15:45

Đón FTA: Kẻ nôn nóng, người lơ mơ

Trong khi một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương được ký kết và triển khai thực hiện, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) xông xáo và tích cực đón cơ hội bao nhiêu thì doanh nghiệp nội lại mơ hồ và lúng túng bấy nhiêu.

Một làn sóng FDI đang dồn dập đổ vào ngành dệt may đón đầu cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đang ký kết và tham gia đàm phán. (Ảnh minh họa) 

Nguy cơ lấn sân từ khối FDI

Tập đoàn HanesBrands, một trong những tập đoàn may mặc nổi tiếng của Mỹ vừa quyết định tăng cường đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mở rộng hoạt động các nhà máy may mặc tại Hưng Yên. Cụ thể, vào cuối năm nay, vốn đầu tư của HanesBrands tại Việt Nam sẽ nâng lên thành 55 triệu USD, thay vì 44 triệu USD hiện tại.

HanesBrands chỉ là cái tên mới nhất trong làn sóng FDI đổ vào ngành dệt may thời gian qua. Sự xuất hiện của hàng loạt dự án có giá trị trên 100 triệu USD vào ngành này đã không còn là chuyện hiếm.

Tháng 6/2015, UBND tỉnh Bình Dương đã cấp phép cho dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan – Trung Quốc) với vốn đầu tư đăng ký là 247 triệu USD. Một dự án FDI “khủng” khác cũng gây được nhiều sự chú ý là dự án của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 660 triệu USD.

Lý giải về làn sóng FDI dồn dập vào ngành dệt may, một số chuyên gia kinh tế nhận định nguyên nhân chính là do giá nhân công của Việt Nam thấp cùng với tác động của các FTA, và đặc biệt là để đón đầu Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp tới.

Không riêng gì dệt may, hai ngành mũi nhọn khác của Việt Nam là chế biến thực phẩm và điện tử cũng đang chứng kiến sự lấn sân của khối doanh nghiệp FDI. Theo Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhiều doanh nghiệp FDI thậm chí còn tranh thủ “mặc cả”, đòi ưu đãi về chính sách khi các FTA được ký kết và thực thi. Điển hình như trường hợp Samsung đề nghị hưởng ba ưu đãi đặc biệt về thuế và thủ tục hải quan để đổi lấy 1,4 tỷ USD đầu tư vào dự án Samsung Electronics CE Complex (SECC) tại TP. Hồ Chí Minh. Toyota mới đây cũng đưa ra năm đề xuất để hãng này có thể duy trì sản xuất tại Việt Nam sau năm 2018, trong đó có giảm thuế nhập khẩu linh kiện lắp ráp và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nội loay hoay

Trong khi các doanh nghiệp FDI đã sẵn sàng đón cơ hội từ các FTA thì nhiều doanh nghiệp nội địa vẫn mang tâm lý “ngồi chờ sung rụng”, đợi chính sách, hỗ trợ từ Nhà nước mà thiếu chủ động nắm bắt thông tin về hội nhập như cử người nghiên cứu, học hỏi để chuẩn bị các “hành trang” cần thiết tiếp cận với các hiệp định thương mại.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu rau quả từng chua chát thừa nhận: “Cách đây hơn một năm, doanh nghiệp tôi định xuất khẩu tỏi, ớt, gừng… sang Hàn Quốc nhưng thuế cao nên chuyển sang xuất rau quả khác. Lúc đó có người bạn khuyên nên tìm hiểu về FTA Việt Nam - Hàn Quốc song tôi không quan tâm vì nghĩ Hiệp định chỉ mang tính ngoại giao. Giờ mới biết là họ ưu đãi rất lớn cho những mặt hàng trên thì mới thấy tiếc”.

Không ít doanh nghiệp Việt than thở, ở đâu cũng nghe mọi người bàn đến hội nhập thông qua hàng loạt hiệp định thương mại nhưng cụ thể như thế nào thì ít người nắm rõ nên doanh nghiệp cũng không biết phải làm gì. Hệ quả là doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Ngành chăn nuôi là một ví dụ. Hiện tại, các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi đang đuối sức trong việc cạnh tranh với thịt ngoại giá rẻ nhập vào ồ ạt.

Tại một cuộc hội thảo do CIEM tổ chức cách đây không lâu, khi bàn về sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, ông Nguyễn Anh Dương – Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô CIEM bức xúc: “Cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài ngay sát sườn trên sân nhà nhưng doanh nghiệp trong nước đến nay cũng không nắm rõ về các ưu đãi mà các đối thủ của họ được hưởng”.

Một cuộc điều tra của CIEM về sự chuẩn bị của doanh nghiệp nội trong ngành chế biến thực phẩm và điện tử cũng cho kết quả đáng suy ngẫm. Chỉ có 20% doanh nghiệp Việt trong ngành hiểu biết về cắt giảm thuế quan theo các cam kết FTA và 10% doanh nghiệp hiểu biết về những ưu đãi dành cho doanh nghiệp FDI cùng ngành. Về hiểu biết chính sách hỗ trợ cho ngành, số doanh nghiệp thuộc hai lĩnh vực trên cũng chỉ đạt trung bình 10%. Sự thiếu hiểu biết và mơ hồ này, theo các chuyên gia kinh tế, là một điều rất đáng lo ngại. Đây là một vấn đề mà các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần khẩn trương vào cuộc để giải quyết.

Phan Mích

thế giới và vn

Các tin tức khác

>   Logistic Việt Nam ở giai đoạn sơ khai nhưng đang phát triển nhanh chóng (17/09/2015)

>   Chính phủ duyệt mở rộng hầm đường bộ Đèo Ngang (17/09/2015)

>   Chuyện buồn thị trường gạo (17/09/2015)

>   Thành phố Hồ Chí Minh: Đầu tư mạnh để giải quyết ùn tắc giao thông (17/09/2015)

>   Lãng phí ngàn tỉ vì cảng “đói hàng” (17/09/2015)

>   Công bố định kỳ thông tin của DNNN (16/09/2015)

>   Chi phí sản xuất than tăng 12.000 đồng mỗi tấn, lợi nhuận giảm (16/09/2015)

>   Doanh nghiệp Việt chỉ biết "lơ mơ" về Cộng đồng kinh tế ASEAN (16/09/2015)

>   Khởi công dự án VSIP Nghệ An với tổng vốn đầu tư 76 triệu USD (16/09/2015)

>   VN vẫn nhập khẩu rau quả nhiều nhất từ Thái Lan (16/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật