Cổ phiếu ngành Thực phẩm - Đồ uống: Xu hướng tăng dài hạn vẫn đang duy trì
Các tín hiệu từ sóng Elliott và nhóm MA cho thấy VS-Food&Drink đang tích lũy ngắn hạn nhưng xu hướng tăng điểm dài hạn vẫn đang duy trì tốt.
Chỉ số ngành Thực phẩm - Đồ uống (VS-Food&Drink)
VS-Food&Drink biến động chủ yếu đi ngang từ tháng 09/2011 cho tới nay. Theo quan điểm của người viết thì khả năng đây là dạng sóng điều chỉnh Triangle. Đà tăng dài hạn có thể được xác nhận bằng việc giá phá vỡ trendline nối sóng B và D (tương ứng vùng 153-155 điểm). Nếu tín hiệu này xuất hiện thì triển vọng sẽ rất lạc quan.
Hiện tại, quá trình điều chỉnh này vẫn còn tiếp tục trong ngắn hạn. Tuy nhiên, vùng đáy cũ của tháng 12/2014 và trendline hỗ trợ (tương đương vùng 124-128 điểm) sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạng. Khả năng thủng vùng này không lớn.
Ngoài ra, việc giá duy trì trên đường SMA200 và khối lượng giao dịch ổn định ở mức khá cao cũng ủng hộ kịch bản tăng điểm.
PHÂN TÍCH CỔ PHIẾU NỔI BẬT
KDC - CTCP Kinh Đô
Tín hiệu kỹ thuật: Khối ngoại mua bán không ổn định trong các phiên gần đây khiến cho nhà đầu tư lo ngại. Giá phá vỡ đường SMA100 và SMA200 (tương đương vùng 25,500-26,700) cho thấy xu hướng dài hạn khá bi quan.
Tuy nhiên, KDC đã có dấu hiệu hồi phục kể từ tháng 5/2015 cho tới tháng 7/2015. Giá biến động khá giống với mẫu hình Leading Diagonal. Đây là mẫu hình thường xuất hiện đầu xu hướng tăng điểm.
Do đó, nhà đầu tư có thể canh mua nhẹ nếu đáy cũ tháng 05/2015 vẫn trụ vững trong thời gian tới. Mục tiêu ngắn hạn là vùng 30,000-31,500.
Khuyến nghị: Nhà đầu tư có thể mua thăm dò nếu nếu đáy cũ tháng 5/2015 (vùng 21,800-23,000) vẫn trụ vững trong thời gian tới.
MSN - CTCP Tập Đoàn Masan
Tín hiệu kỹ thuật: MSN vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh kéo dài và khá phức tạp từ 2011 cho tới nay.
Phân kỳ giá lên dài hạn giữa MACD và giá đã hình thành trên đồ thị weekly nên triển vọng trong thời gian tới của MSN là khá lạc quan.
Tuy nhiên, giá vẫn chưa phá vỡ hoàn toàn trendline kháng cự dài hạn nên chưa xác nhận xu hướng tăng điểm dài hạn đã quay trở lại.
Khuyến nghị: Nhà đầu tư có thể mua vào nếu giá test lại vùng đáy cũ tháng 04/2015 (vùng 73,000-75,000) hoặc phá vỡ hoàn toàn trendline kháng cự (vùng 80,000-82,0000).
SBT - CTCP Mía Đường Thành Thành Công Tây Ninh
Tín hiệu kỹ thuật: Chỉ trong vòng 3 tháng, khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên đã tăng đến gần 5 lần, từ mức 500,000 đơn vị lên mức 2,400,000 đơn vị. Điều này cho thấy lực cầu gia tăng hết sức mạnh mẽ.
Giá đã vượt nhóm MA dài hạn trong tháng 05/2015 và hiện đang test lại nhóm này (tương đương vùng 12,000-13,400). Nếu vùng này trụ vững thì xu hướng dài hạn là rất tích cực.
MACD cũng đang đi ngang và có thể cho tín hiệu mua mạnh trở lại.
Khuyến nghị: Nhà đầu tư có thể canh mua khi giá về lại vùng 12,000-13,400 với quan điểm nhanh chóng thoát ra nếu vùng này bị thủng.
VNM - CTCP Sữa Việt Nam
Tín hiệu kỹ thuật: VNM tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục từ 12/2014 cho tới nay. Hiện tại, xu hướng tăng điểm vẫn có thể duy trì.
Ở góc nhìn sóng Elliott, VNM có thể đang ở sóng 4 điều chỉnh sau khi kết thúc sóng 3 tại vùng 108,000-110,000. Do sóng 2 có cấu trúc khá đơn giản nên dự kiến sóng 4 sẽ điều chỉnh phức tạp và kéo dài khá lâu. Ngoài ra, sóng 4 đã điều chỉnh khá sâu về mức 61.8% của dãy Fibonacci Retracement thuộc sóng 3 nên ngưỡng này sẽ là hỗ trợ mạnh trong thời gian tới. Do ngưỡng này cũng trùng với vùng đáy cũ tháng 08/2015 (tương đương 92,000-96,000) nên độ tin cậy càng cao.
Chỉ báo ADX đã đi xuống dưới 25 cho thấy xu hướng hiện hành đang khá yếu. Nếu chỉ báo này vượt lên trên mức 25 trong những tuần tới thì khả năng bứt phá sẽ tăng cao.
Khuyến nghị: Vùng mua vào trong ngắn hạn cũng như dài hạn là vùng vùng đáy cũ tháng 08/2015 (tương đương 92,000-96,000). Mục tiêu ngắn hạn là vùng 107,000-109,000.
Phạm Tấn Phát, Phòng Tư vấn Vietstock
|