Thứ Bảy, 22/08/2015 14:25

TPP và những điều ít được nói đến

Lợi ích tổng thể của TPP mang lại là rất to lớn nhưng không vì vậy mà chúng ta không chuẩn bị để giảm thiểu tối đa những thiệt hại mà TPP gây ra cho số đông người dân Việt Nam, đặc biệt là nông dân.

Một cuộc đàm phán TPP của các bộ trưởng thương mại. Ảnh TL

Những lợi ích dễ thấy

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được bàn luận khá nhiều trong thời gian gần đây. Các mô hình tính toán của các học giả nước ngoài cho thấy Việt Nam là nước được hưởng lợi lớn nhất từ TPP. Những nhận định này dựa trên các lý do chính, đó là: (i) Việt Nam hiện nay vẫn là nước đang chịu mức thuế cao nhất khi vào thị trường Mỹ nói riêng và các nước trong khối TPP nói chung; (ii) sẽ có sự chuyển hướng đầu tư thương mại đến Việt Nam; (iii) Việt Nam sẽ đổi mới thể chế.

Lý do thứ nhất là rõ ràng. Việt Nam đang phải chịu thuế suất cao nhất so với các nước khác, khi ký TPP thì Việt Nam là nước được giảm thuế suất nhiều nhất, do đó, có lợi nhất.

Lý do thứ hai có thể lý giải như sau: theo quy định của TPP, chỉ những mặt hàng có xuất xứ sản xuất (kể cả nguyên, phụ liệu) trong các nước thành viên TPP thì mới được hưởng ưu đãi. Do đó, hàng hóa mà các nước thành viên TPP đang nhập khẩu từ những nước không thuộc TPP sẽ trở nên bất lợi trong cạnh tranh. Những hàng hóa đó nếu sản xuất ở tại các nước thành viên TPP thì sẽ có lợi. Việt Nam là nước có ưu thế về dân số đông, lao động rẻ, sẽ là điểm đến cho các nhà đầu tư nước ngoài khai thác lợi thế thành viên này. Điều này đặc biệt đúng đối với ngành dệt may.

Người nông dân Việt Nam cần được định hướng, cảnh báo, và chuẩn bị cho cuộc hội nhập lớn lần này. Đây chính là lúc người dân rất cần bàn tay của Nhà nước.

Lý do thứ ba, là TPP yêu cầu thể chế quản lý kinh tế rất chặt chẽ và có tính giải trình rất cao. Những can thiệp không rõ ràng của Nhà nước hoặc những can thiệp làm thiệt hại lợi ích của nhà đầu tư đều có nguy cơ bị kiện và Nhà nước phải đền bù. Nếu tham gia TPP, Việt Nam buộc phải tham gia một lộ trình đổi mới thể chế rõ ràng, có thể đoán định và không thể đảo ngược. Điều này sẽ giúp môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những lợi thế mà TPP mang lại nhờ đó được nâng lên nhiều lần.

Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng những đánh giá định lượng được đưa ra cần phải nhìn nhận một cách thận trọng vì đàm phán TPP là đàm phán kín và không ai biết rõ kịch bản của bản thỏa thuận cuối cùng là gì, do đó những dự báo lợi ích mang lại cũng chỉ là... dự đoán mà thôi.

Những điều ít được nói đến

Tham gia TPP, Việt Nam và các nước thành viên phải mở cửa thị trường, tức phải loại bỏ 100% dòng thuế (thuế nhập khẩu) đối với các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp. Với nền sản xuất nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, thiếu quy trình giám sát chặt chẽ, thiếu khả năng chứng minh nguồn gốc xuất xứ và quy trình sản xuất sạch, những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sẽ rất khó xâm nhập vào thị trường các nước khác như Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... vì các nước này chắc chắn sẽ dựng lên những rào cản kỹ thuật (TBT) và các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) để ngăn chặn hàng nhập khẩu.

Ngược lại, chúng ta sẽ rất khó đưa ra các biện pháp này vì nếu các nhà sản xuất trong nước của chúng ta chưa đáp ứng được các điều kiện mà hàng rào chúng ta muốn dựng lên thì việc chúng ta dựng lên hàng rào TBT và SPS sẽ vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia và sẽ bị kiện. Như vậy, ngành nông nghiệp sẽ đối diện với bất lợi rất lớn: khó thâm nhập thị trường nước ngoài, trong khi phải đối diện với sự xâm nhập rất lớn của các sản phẩm nông sản từ các nước có lợi thế trong sản xuất nông nghiệp như Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Chile... Ngành sữa, chăn nuôi, trồng trọt (đậu, bắp), trái cây sẽ là những ngành chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ nhất từ phía hàng hóa nhập khẩu.

Một điều đáng quan tâm là nông nghiệp - ngành đang tạo việc làm và thu nhập cho gần 70% dân số Việt Nam có khả năng bị đe dọa lớn nhất từ hiệp định TPP - lại rất ít được đề cập trong các nghiên cứu trong nước và trên các diễn đàn trao đổi gần đây. Nông dân chúng ta sẽ buộc phải tham gia một cuộc chơi lớn đầy bất lợi nhưng lại không biết luật của cuộc chơi đó là gì. Không biết đối thủ có những vũ khí gì, mình được quyền sử dụng vũ khí gì, phải chuẩn bị gì? Với những điều kiện như vậy thì khả năng cạnh tranh thành công của nông dân Việt Nam sẽ là rất thấp.

Nguyễn Tú Anh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Tăng cước, phí vận tải biển có thể phải báo trước 30 ngày (22/08/2015)

>   Bấp bênh niềm tin kinh doanh (22/08/2015)

>   21 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa thể giải ngân (22/08/2015)

>   Phép thử cho doanh nghiệp nội (22/08/2015)

>   Gian lận thương mại ‘giết’ DN nhỏ (22/08/2015)

>   Nhà nước sẽ giữ độc quyền 16 lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ (22/08/2015)

>   Khu công nghệ cao Hòa Lạc khởi động chiến lược thu hút đầu tư (21/08/2015)

>   Việt Nam-Indonesia hướng đến kim ngạch thương mại 10 tỷ USD (21/08/2015)

>   Xuất khẩu đạt 98,5 tỉ USD kể từ đầu năm (21/08/2015)

>   Từng bước cân bằng cán cân thương mại Việt Nam-Trung Quốc (21/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật