Nhà nước sẽ giữ độc quyền 16 lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ
Chính phủ đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn nhà nước độc quyền trong hoạt động thương mại. Theo dự thảo này, sẽ có 16 lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ mà nhà nước giữ độc quyền.
Nhà nước sẽ giữ độc quyền trong 16 lĩnh vực, trong đó có hoa tiêu hàng hải Ảnh:TL
|
Thực tế, việc ra đời Nghị định về hàng hóa, dịch vụ do nhà nước độc quyền thương mại không nhằm mục đích gia tăng sự độc quyền của nhà nước, nhất là trong điều kiện Việt Nam hiện đã ký hơn 10 hiệp định thương mại song phương (FTA) và sắp tới là các hiệp định lớn như FTA Việt Nam-EU, TPP… Các hiệp định này càng đòi hỏi phải giảm đi sự độc quyền của nhà nước trong các hoạt động thương mại.
Mục đích của việc ban hành danh mục độc quyền thương mại của nhà nước là do lĩnh vực độc quyền nhà nước có quy định trong Luật Thương mại và Luật Cạnh tranh nhưng chồng chéo nhau, thậm chí biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, dẫn đến việc nhà nước bao cấp cho doanh nghiệp.
Nay đáp ứng nhu cầu hội nhập và hạn chế độc quyền nhà nước, phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2014, nhà nước muốn ban hành danh mục giới hạn lại lĩnh vực độc quyền.
Dự kiến nhà nước, mà đại diện là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, sẽ giữ độc quyền các lĩnh vực sau: sản xuất, phân phối, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân, sản xuất vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu, nhập khẩu thuốc lá, phát hành sổ xố kiến thiết… Bên cạnh đó, các dịch vụ nhà nước độc quyền như hoạt động dịch vụ hoa tiêu hàng hải, bảo đảm hoạt động bay, và xuất bản (không bao gồm dịch vụ in và phát hành xuất bản phẩm)…
Đây là các lĩnh vực chỉ do nhà nước làm, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh chưa có nhu cầu hoặc chưa có khả năng tham gia. Tuy thực hiện độc quyền nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp, pháp luật cạnh tranh và Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Danh mục nói trên có thể thay đổi theo từng thời kỳ cho phù hợp nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc các doanh nghiệp ngoài nhà nước có nhu cầu vẫn có thể tham gia trong trường hợp doanh nghiệp đó đảm bảo được khả năng tiến hành hoạt động và phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn đề xuất.
Lan Nhi
tbktsg
|