Thứ Hai, 10/08/2015 14:13

TPHCM: 4/13 dự án vốn ODA chậm tiến độ

Hiện tại TPHCM có 13 dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Đánh giá tiến độ thực hiện các dự án này trong 6 tháng đầu năm 2015, UBND TPHCM cho biết có 4 dự án có tiến độ kém (chỉ mới thực hiện được dưới 40% so với kế hoạch giải ngân).

Xây dựng tuyến metro số 1 tại trung tâm TPHCM. Đây là một trong số các dự án lớn sử dụng vốn ODA - Ảnh: Văn Nam

Còn lại là 8 dự án có tiến độ trung bình (thực hiện được 40-60%) và chỉ có 1 dự án có tiến độ tốt (đã thực hiện được 80%).

Hiện nay tổng số vốn đầu tư các dự án có sử dụng vốn ODA mà thành phố đang triển khai gần 110.000 tỉ đồng, trong đó vốn ODA khoảng 93.400 tỉ đồng và còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách.

Trong một báo cáo gởi Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 7-8, UBND thành phố cho biết trong 6 tháng đầu năm 2015, tình hình giải ngân vốn ODA của các dự án sử dụng vốn ODA đạt 44% kế hoạch.

Nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chậm là do bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời các công trình tiện ích vẫn gặp nhiều khó khăn; thi công một số gói thầu vướng phân luồng giao thông, xử lý các công trình ngầm; điều chỉnh thiết kế của dự án, xử lý một số tình huống trong đấu thầu.

Một số dự án đang triển khai sử dụng vốn ODA gồm: dự án cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2); tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên); tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành – Tham Lương); tiểu dự án nâng cấp đô thị thành phố…

Theo báo cáo nói trên, UBND thành phố đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ TPHCM vận động nguồn ODA tài trợ cho các dự án ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông, môi trường có quy mô lớn như dự án tuyến đường sắt đô thị, dự án nhà ga trung tâm Bến Thành, các dự án nhà máy xử lý nước thải, dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực thành phố.

Theo các chuyên gia kinh tế phân tích tại hội thảo đánh giá 20 năm huy động và sử dụng vốn ODA của Việt Nam diễn ra tại Đà Nẵng ngày 7-8 vừa qua, sử dụng vốn ODA đã đến lúc phải được cải tổ, mà quan trọng nhất là phát huy tính chủ động của nước nhận tài trợ. Nếu chỉ dựa vào nhà tài trợ thì sẽ không hướng tới được các dự án mang tính định hướng. Thay vì tài trợ cho từng dự án, nên định hướng tài trợ cho ngành, lĩnh vực, đồng thời cho phép các định chế tài chính độc lập tham gia thẩm định các dự án. Thẩm định dự án là khâu quyết định vì chọn được dự án tốt là đã thành công 50%.

Điều không thể thiếu là quản lý tài chính các dự án phải được tăng cường, không chỉ đề phòng và chống lãng phí, mà là quản lý khoa học. Các dự án ODA cần được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán độc lập, bởi đó là tiền vay. Hôm nay chúng ta vay, tương lai con cháu chúng ta phải trả.

Văn Nam

tbktsg

Các tin tức khác

>   Liên kết vùng nhìn từ xung đột lợi ích địa phương (09/08/2015)

>   Chỉ số BCI quý II tăng nhẹ lên 77 điểm (08/08/2015)

>   7 tháng, giải ngân gần 40 nghìn tỷ đồng vốn vay (08/08/2015)

>   GDP bình quân đầu người ở nông thôn VN chỉ hơn Campuchia (07/08/2015)

>   Đừng hoảng hốt với nợ công (07/08/2015)

>   Việt Nam bắt đầu “tốt nghiệp” ODA: Sẽ đến lúc vay đắt hơn (07/08/2015)

>   Đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém (07/08/2015)

>   Việt Nam sẽ ngược chiều xu hướng thế giới (06/08/2015)

>   Hạn chế quyền mặc cả của FDI: Trục trặc của Việt Nam (05/08/2015)

>   Ủy ban Giám sát: Kinh tế khởi sắc nhưng còn nhiều thách thức (05/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật