Chủ Nhật, 09/08/2015 22:37

Liên kết vùng nhìn từ xung đột lợi ích địa phương

Thực tế việc liên kết vùng trong thời gian qua đã gặp phải nhiều “xung đột lợi ích” khi các tỉnh chỉ “lo cho mình”. Làm sao để hài hòa, công cụ nào để điều phối và phân xử?

* Liên kết vùng ĐBSCL: không thể nói miệng mà phải đi từ thực tế

Cần một cơ chế liên kết hợp tác hiệu quả giữa các tỉnh, thành để tạo ra kinh tế vùng mà vẫn không mất đi vai trò của các địa phương. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Có hay không “xung đột lợi ích”?

Câu chuyện tỉnh Đồng Nai xây kè, lấn sông Đồng Nai, phát triển đô thị bị phản ứng, phải dừng dự án hơn 3.200 tỉ đồng sau khi đã thi công gần một năm... là một thí dụ về “xung đột lợi ích” giữa các địa phương.

Dù công trình nằm trên địa phận một tỉnh, nhưng sông Đồng Nai không phải là của riêng tỉnh Đồng Nai, mà liên quan đến 11 địa phương, là “tài sản dùng chung”. Trường hợp này, nếu chỉ dựa vào những thể chế hiện hành như thẩm quyền của chính quyền địa phương trong quyết định đầu tư xây dựng, hay vai trò của Ủy ban sông Đồng Nai không thôi, thì “không ăn thua”.

Một thí dụ khác, tỉnh Sóc Trăng muốn làm thủy lợi để trồng lúa, nhưng tỉnh Bạc Liêu liền kề lại muốn đưa nước mặn vào để nuôi tôm. Tỉnh nào cũng muốn ưu tiên. Rõ ràng là có xung đột lợi ích. Tương tự, những năm trước đây, khi nước lũ dâng cao, tỉnh An Giang có nhu cầu xả lũ qua Kiên Giang, thoát ra biển Tây, ảnh hưởng đến tỉnh bạn.

Thực tế này đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả phối hợp liên tỉnh. Ở ĐBSCL, nếu các địa phương đầu nguồn và cuối nguồn hai con sông Tiền, sông Hậu không liên kết tốt, chỉ biết có mình, tỉnh ở trên phát triển công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, thì hạ lưu “lãnh đủ”. Lợi ích của tỉnh này có khi là thiệt hại của tỉnh khác. Ai cũng nhìn vào lợi ích kinh tế của tỉnh mình, mà đáng lẽ ra phải nhìn từ cấp vùng, từ tổng thể. Vì vậy, cần một cơ chế liên kết hợp tác hiệu quả giữa các tỉnh, thành để tạo ra kinh tế vùng mà vẫn không mất đi vai trò của các địa phương.

Nhìn ở hiệu quả phối hợp ngành, liên bộ thời gian qua cũng đang có vấn đề. Mấy năm trước đã xuất hiện tranh cãi về thẩm quyền giữa thanh tra xây dựng và thanh tra giao thông trong việc thanh tra một công trình giao thông. Tương tự, những “chồng lấn” hay “thiếu đấu nối” trong nội dung quy hoạch giữa giao thông và xây dựng liên quan đến giao thông. Sự nhập nhằng về thẩm quyền quản lý lưu vực sông giữa các ngành tài nguyên - môi trường (nước) và thủy lợi, giao thông thủy (cũng đều liên quan đến nước) cũng là một trong rất nhiều thí dụ đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả phối hợp liên bộ.

Những “rào cản” cần vượt qua

Quy hoạch vùng được phê duyệt, nhưng “chủ thể vùng” không rõ và thực tế là không có, không kèm theo cấp quản lý quy hoạch tương ứng; việc tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra... mờ nhạt.

Cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề vượt ra ngoài ranh giới hành chính tỉnh, cần tiếp cận và giải quyết theo vùng. Các thách thức về ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, xử lý dịch bệnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập... đều cần tăng cường liên kết. Nên tập trung giải quyết các bức xúc từ thực tiễn, tháo gỡ các “rào cản” trong phát triển bằng cơ chế, chính sách và hành động cụ thể.

Không phải ngẫu nhiên mà điều 52 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận “thúc đẩy liên kết kinh tế vùng” và dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định nhiệm vụ “sớm xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng”.

Song, thực tế hiện nay liên kết vùng đang tồn tại các “nút thắt” cần phải được tháo gỡ.

Thứ nhất, do chưa rõ chủ thể cấp vùng, nguồn lực đầu tư cho vùng, nên liên kết vùng gặp khó khăn. Thể chế hiện hành xác định rõ cấp trung ương (Chính phủ, các bộ, ngành) và cấp địa phương (tỉnh, huyện, xã), nhưng chưa rõ “chủ thể vùng”. Hiến pháp năm 2013 có chế định “đặc khu hành chính - kinh tế”, nhưng thuộc quản lý của chính quyền địa phương và trên thực tế chưa được thành lập. Quy hoạch vùng được phê duyệt, nhưng “chủ thể vùng” không rõ và thực tế là không có, không kèm theo cấp quản lý quy hoạch tương ứng; việc tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra... mờ nhạt. Các vùng nói chung và ĐBSCL nói riêng không phải là một cấp hành chính, việc phân bổ ngân sách, nguồn lực đầu tư cho vùng do trung ương đảm nhiệm. Vùng không phải là cấp ngân sách, việc đầu tư phát triển vùng phụ thuộc vào sự đầu tư của trung ương và cấp tỉnh.

Thứ hai là thiếu cơ sở dữ liệu vùng. Mặc dù có “quy hoạch vùng”, nhưng do không phải là cấp quản lý hành chính nên thống kê theo vùng ở tình trạng được chăng hay chớ, không hoàn chỉnh, gây khó khăn cho việc theo dõi, đánh giá, giám sát, dự báo và lập quy hoạch kế hoạch vùng.

Thứ ba, việc cạnh tranh cục bộ giữa các tỉnh có thể phá vỡ quy hoạch vùng. Các tỉnh thường quan tâm tranh thủ vốn từ trung ương và làm sao để tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư địa phương để tăng vốn đầu tư phát triển. Kết quả là, nhiều tỉnh “trải thảm đỏ”, chạy đua khuyến khích đầu tư nên có tình trạng “ưu đãi đầu tư vượt rào”. Nó giống như tình trạng ai cũng có quyền ưu tiên nên dẫn đến không ai có quyền ưu tiên cả.

Xem chi tiết tại đây ...

Trần Hữu Hiệp

tbktsg

Các tin tức khác

>   Chỉ số BCI quý II tăng nhẹ lên 77 điểm (08/08/2015)

>   7 tháng, giải ngân gần 40 nghìn tỷ đồng vốn vay (08/08/2015)

>   GDP bình quân đầu người ở nông thôn VN chỉ hơn Campuchia (07/08/2015)

>   Đừng hoảng hốt với nợ công (07/08/2015)

>   Việt Nam bắt đầu “tốt nghiệp” ODA: Sẽ đến lúc vay đắt hơn (07/08/2015)

>   Đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém (07/08/2015)

>   Việt Nam sẽ ngược chiều xu hướng thế giới (06/08/2015)

>   Hạn chế quyền mặc cả của FDI: Trục trặc của Việt Nam (05/08/2015)

>   Ủy ban Giám sát: Kinh tế khởi sắc nhưng còn nhiều thách thức (05/08/2015)

>   Liên kết vùng ĐBSCL: không thể nói miệng mà phải đi từ thực tế (04/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật