Thứ Bảy, 01/08/2015 08:29

Thay gần 20 triệu côngtơ điện tử: Người dùng có được lợi?

Bộ Công Thương đang chỉ đạo Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và 5 TCty điện lực thuộc EVN phải tính toán tối ưu hoá chi phí, ứng dụng đề án phát triển côngtơ điện tử và đọc chỉ số từ xa vào khâu phân phối và kinh doanh điện năng. Việc thay thế khoảng gần 20 triệu côngtơ cơ hiện có sang côngtơ điện tử hy vọng sẽ giúp EVN giảm nhân lực ghi chỉ số côngtơ, tăng năng suất lao động. Dù được yêu cầu không tăng thêm chi phí gây áp lực lên giá điện, nhưng dư luận lo ngại khoản tiền khổng lồ này EVN sẽ hạch toán ra sao?

Nhân viên điện lực dùng camera ghi chỉ số côngtơ. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Tiết kiệm từ 2 - 15% chi phí

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, đề án đang được EVN thực hiện, yêu cầu các TCty điện lực phải lập báo cáo chi tiết trình tập đoàn trước ngày 30.10.2015. Theo đó, các TCty điện lực căn cứ vào tình hình thực tế tại đơn vị mình đề xuất phương án triển khai để thực hiện lộ trình thay thế côngtơ cơ bằng côngtơ điện tử và ứng dụng công nghệ đọc chỉ số từ xa. Đây được xem là “chìa khoá” để giải bài toán tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành điện. Việc thay thế côngtơ điện tử phải đảm bảo nguyên tắc lấy hiệu quả bù chi phí, tức là bằng việc áp dụng công nghệ đọc chỉ số côngtơ từ xa trên thiết bị điện tử sẽ giúp giảm đáng kể số lao động ghi chỉ số

côngtơ, phúc tra ghi chỉ số, giảm tổn thất tiêu hao côngtơ, từ đó giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm từ 2-15% chi phí.

Máy tính bảng nhận hình ảnh từ camera chụp chỉ số và tự động cập nhật.

Thống kê của ngành điện cho thấy, trong 2-3 tháng gần đây, khiếu nại của người dân liên quan đến hoá đơn tiền điện tăng vọt, trong đó không ít trường hợp người dân bị công nhân nhà đèn ghi sai chỉ số điện, nhầm lẫn hóa đơn điện, gây không ít bức xúc. Bộ Công Thương cho rằng, việc thay thế côngtơ cơ đang dùng hiện nay sang côngtơ điện tử là để minh bạch hóa việc ghi chỉ số côngtơ điện. Để tăng tính minh bạch, hiện EVN đã yêu cầu các Cty điện lực áp dụng công nghệ trong việc ghi chỉ số côngtơ, cụ thể như tại TCty Điện lực TP. Hà Nội đã đầu tư 1.129 thiết bị ghi chỉ số côngtơ cho tất cả 30 công ty điện lực trên địa bàn. Hình ảnh được chụp từ côngtơ để sử dụng phục vụ công tác kinh doanh và làm bằng chứng khi khách hàng có khiếu nại, từ đó làm thủ tục truy thu, thoái hoàn tiền điện.

Theo số liệu đến cuối năm 2014 , EVN đã kinh doanh và bán điện cho 22,411 triệu khách hàng sử dụng điện, trong đó chỉ khoảng 2,72 triệu khách hàng đã được lắp đặt côngtơ điện tử, số còn lại sử dụng côngtơ cơ với niên hạn sử dụng tối đa 10 năm. Việc tồn tại tới 90% lượng côngtơ cơ trên lưới đã tồn tại nhiều bất cập như lâu nay khâu ghi chỉ số công tơ phải cần tới ít nhất 2 nhân lực leo cột điện, ghi chỉ số bằng tay, rồi nhập máy tính. Đa phần các công đoạn này còn khá thô sơ, tốn nhiều nhân công, trong khi độ chính xác không cao, không ít trường hợp xảy ra nhầm lẫn, sai sót dẫn đến khiếu kiện của khách hàng dùng điện. Cũng có một thực tế nữa là việc triển khai côngtơ điện tử do có độ chính xác cao hơn công tơ cơ, sai số chỉ là ± 1%, trong khi độ chính xác của công tơ cơ sai số ± 2%, góp phần giảm tổn thất điện năng cho ngành điện, nhưng người dùng điện sẽ phải tăng thêm chi phí sau côngtơ.

Theo một đại diện TCty Điện lực miền Nam (EVN SPC), việc triển khai côngtơ điện tử bị kéo lùi lộ trình tới 10 năm do người dân vô cùng “dị ứng” với việc treo côngtơ điện tử khi trước đó xảy ra vụ côngtơ điện tử giả tại Cty điện lực TPHCM khiến nhiều quan chức của Cty này phải ra hầu toà.

Không thể không làm

GS - Viện sĩ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam khẳng định, theo lộ trình hình thành thị trường điện cạnh tranh, đến năm 2016, EVN phải triển khai thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh và từ năm 2021 là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Vì vậy, việc triển khai côngtơ điện tử để đo đếm điện năng và truyền dữ liệu từ xa, dù khó cũng không thể không làm. Việc làm này cũng là giúp ngành điện giảm đáng kể chi phí, về nguyên tắc là sẽ bù được cho những chi phí EVN phải bỏ ra ban đầu để đầu tư côngtơ điện tử.

 

Thiết bị số hóa chỉ số côngtơ.Ảnh: HẢI NGUYỄN

Tuy nhiên, việc thay thế hàng triệu côngtơ điện cơ bằng côngtơ điện tử sẽ gặp không ít vướng mắc và dự kiến lộ trình thực hiện không dưới 10 năm (để thay thế toàn bộ). Chi phí sẽ bị đội lên rất lớn. Theo tính toán của EVN, trong vòng 5 năm tới, nếu có đủ kinh phí, mỗi năm ngành này phải thay thế khoảng 4 - 5 triệu côngtơ, chưa kể số phát triển mới khoảng 500 nghìn đến 1 triệu côngtơ điện mỗi năm. Với chi phí trung bình khoảng 600 - 700 nghìn đồng/côngtơ, thì đến năm 2020, EVN phải bỏ ra lượng kinh phí khoảng trên dưới 10.000 tỉ đồng.

 Với chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc không phát sinh chi phí vào giá điện, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN mới đây cũng khẳng định: Việc đầu tư côngtơ điện tử được thực hiện theo lộ trình tối ưu hóa chi phí và tăng năng suất lao động của của tập đoàn nên không làm tăng giá điện. Ông Tri cho hay, EVN đã giao cho các tổng công ty điện lực trên nguyên tắc đảm bảo không tăng chi phí lắp đặt côngtơ phục vụ bán điện cho khách hàng theo định mức đã được tập đoàn phê duyệt; đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật và chất lượng của công tơ điện tử cũng như hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa, đồng thời đảm bảo hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, về phía các TCty điện lực vẫn sẽ là bài toán nan giải bởi không thể huy động được nguồn vốn lớn trong khi chính họ phải cân đối làm sao để tăng hiệu quả kinh doanh, nhưng phải đảm bảo bố trí công ăn việc làm cho người lao động.

Hồng Quân

lao động

Các tin tức khác

>   Làm ăn với Mỹ, lợi ngay tỉ đô (01/08/2015)

>   Hải Âu cho thuê thủy phi cơ để cắt lỗ (31/07/2015)

>   Sau Trung Quốc và Thái Lan, DN Nhật chọn Việt Nam (31/07/2015)

>   UEA muốn đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm ở Thành phố Hồ Chí Minh (31/07/2015)

>   Thủ tướng chỉ đạo tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản (31/07/2015)

>   “Chưa rõ khi nào giá ôtô tại Việt Nam ngang nước khác” (31/07/2015)

>   Những rào cản còn lại tại đàm phán TPP (31/07/2015)

>   Việt Nam cung ứng 90% sản lượng cá tra toàn cầu (31/07/2015)

>   Bảo vệ chứ không bảo bọc (31/07/2015)

>   Hàn Quốc đầu tư 70 triệu USD xây nhà máy dệt may (31/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật