Thứ Sáu, 31/07/2015 14:40

“Chưa rõ khi nào giá ôtô tại Việt Nam ngang nước khác”

Dung lượng thị trường và chính sách thuế vẫn đang có những tác động không mấy tích cực lên giá thành ôtô...

Vietnam Motor Show là sự kiện thường niên quan trọng nhất do VAMA tổ chức. Dự kiến kỳ triển lãm Vietnam Motor Show 2015 sẽ diễn ra từ ngày 28/10 đến 1/11 tại Tp.HCM.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), ông Yoshihisa Maruta, cho rằng thời điểm này vẫn chưa thể khẳng định khi nào thì giá ôtô tại Việt Nam mới ngang bằng các thị trường khác trong khu vực.

Đây cũng là quan điểm chung của đại diện nhiều nhà sản xuất ôtô tại cuộc họp báo đánh dấu thời điểm 15 năm thành lập VAMA.

Theo ông Yoshihisa Maruta, giá bán lẻ ôtô phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là dung lượng thị trường và chính sách thuế. Tính đến thời điểm này, tức sau gần 20 năm hình thành ngành công nghiệp ôtô, hai yếu tố này vẫn đang có những tác động không mấy tích cực lên giá thành ôtô.

Tuy vậy, cũng theo các thành viên ban điều hành VAMA, giai đoạn ôtô hóa được dự báo là sẽ khởi đầu vào khoảng năm 2021 - 2022, khi đó thị trường ôtô sẽ phát triển mạnh với dung lượng lớn nên giá xe sẽ thuận lợi hơn với người tiêu dùng. Từ đó, công nghiệp ôtô Việt Nam cũng sẽ có điều kiện phát triển hơn.

Tính toán của Bộ Công Thương và VAMA cho biết, ở giai đoạn ôtô hóa (motorization), tỷ lệ ôtô trên 1.000 dân sẽ ở mức trên 50 chiếc. Đến giai đoạn bão hòa motorization, mỗi gia đình có 1 xe ôtô và trung bình trên 250 xe/1.000 dân, tức khoảng 4 người sẽ có 1 xe.

Trước luồng quan điểm cho rằng ngành công nghiệp ôtô đang có nguy cơ đổ vỡ bởi sức ép của xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU), đặc biệt là xe có xuất xứ Đông Nam Á kể từ năm 2018, đại diện VAMA nhận định “sẽ hoàn toàn không muộn, nếu như tất cả chúng ta đều nỗ lực”.

Bởi lẽ, với một đất nước 100 triệu dân, tiềm năng của thị trường ôtô là rất lớn; với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển của thị trường ôtô cũng là tất yếu.

“Các thành viên VAMA luôn mong muốn tiếp tục duy trì sự phát triển ở Việt Nam. Và khi Chính phủ ban hành những chính sách thuận lợi, chúng tôi sẽ đáp ứng được hết những kỳ vọng mà chính sách và người tiêu dùng đưa ra”, đại diện VAMA khẳng định.

Theo thống kê, kể từ khi thành lập vào năm 2000, sau 15 năm hoạt động, tổng sản lượng bán hàng cộng dồn xe lắp ráp trong nước (CKD) của các thành viên VAMA đã vượt mốc 1,15 triệu chiếc. Từ mức sản lượng 14.000 chiếc trong năm đầu hoạt động, hiện nay con số này đã vượt qua 130.000 chiếc/năm.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, tổng sản lượng của các thành viên VAMA đã tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 92.000 chiếc. Trong đó, 9/10 mẫu xe bán chạy nhất là các sản phẩm được lắp ráp trong nước.

Với lượng xe xuất xưởng tăng hằng năm, đến nay VAMA đã đáp ứng gần 80% nhu cầu xe du lịch và 60% nhu cầu xe thương mại tại thị trường Việt Nam. Trong năm 2014, VAMA đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 44.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD).

Đức Thọ

vneconomy

Các tin tức khác

>   Những rào cản còn lại tại đàm phán TPP (31/07/2015)

>   Việt Nam cung ứng 90% sản lượng cá tra toàn cầu (31/07/2015)

>   Bảo vệ chứ không bảo bọc (31/07/2015)

>   Hàn Quốc đầu tư 70 triệu USD xây nhà máy dệt may (31/07/2015)

>   Cục Xúc tiến thương mại: Hàng Việt có lợi thế vào Nga (31/07/2015)

>   Thủ tướng yêu cầu tổng rà soát các dự án giao thông BOT (31/07/2015)

>   VAMA: Khó nói trước thời điểm giá xe ôtô tại Việt Nam giảm (30/07/2015)

>   JFE Steel của Nhật Bản đầu tư 220 triệu USD vào Việt Nam (30/07/2015)

>   Thủ tướng Anh: Tăng gấp đôi kim ngạch thương mại Việt-Anh (30/07/2015)

>   Việt Nam dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Pháp sau 15 năm gián đoạn (30/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật