Những chính sách “lót đường” cho xu thế M&A 2015
Sự ra đời của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư 2014 cũng như việc Chính phủ “cởi” room nhà đầu tư nước ngoài lên 100%... đang và sẽ tạo nhiều điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư trong nước có thể thực hiện các thương vụ M&A tại Việt Nam.
Chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2015 với chủ đề “Chờ đón sự bùng nổ”, ông Vũ Bằng – Chủ tịch UBCKNN nhận định, trong khoảng 2 đến 3 năm trở lại đây M&A đã diễn ra mạnh mẽ và sẽ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Có 4 yếu tố thúc đẩy quá trình này, thứ nhất là phục hồi vĩ mô và tái cấu trúc nền kinh tế, hệ thống ngân hàng và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Thứ hai, các chính sách cải cách thể chế, mở cửa nền kinh tế, hội nhập sâu rộng ra bên ngoài, đặc biệt là Hiệp định như FTA, TPP. Thứ ba là sự phục hồi và những cải cách của chính phủ liên quan đến thị trường chứng khoán (TTCK). Cuối cùng là sự dịch chuyển luồng vốn quốc tế, điều này vừa tạo ra thách thức và cơ hội trong thời gian tới.
Ông Bằng đánh giá, từ đầu năm đến nay khi ngân hàng Nhà nước thắt chặt dòng vốn từ ngân hàng sang TTCK đã tác động nhất định đến thị trường nhưng nhìn chung chứng khoán vẫn phục hồi hơn 15% so với đầu năm.
Việc ra đời Nghị định 60/2015/NĐ-CP thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc hội nhập kinh tế, nới room lên 100% là động lực để thúc đẩy dòng vốn nước ngoài, điển hình là các nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá cao và đang có khuynh hướng quay trở lại Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực xi măng, sắt thép, bán lẻ. Hiện tại Nghị định 60 đang gấp rút hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành và dự kiến sớm đi vào thực hiện trước ngày 01/09/2015.
Bên cạnh đó, TTCK phái sinh cũng đang trong quá trình hoàn thiện Thông tư hướng dẫn quy trình, hệ thống công nghệ đang được triển khai để năm 2016 có thể bắt đầu đi vào vận hành. Thị trường sẽ có thêm công cụ để phòng ngừa rủi ro, qua đó, thu hút dòng vốn cho TTCK, thúc đẩy cổ phần hóa và M&A thời gian tới.
Các diễn giả tại diễn đàn M&A 2015 – “Chờ đón sự bùng nổ” diễn ra chiều ngày 06/08 tại TP.HCM
|
Ông Phan Đức Hiếu - Trưởng ban Môi trường Kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho biết thêm, trước đây M&A có mặt hạn chế là chỉ áp dụng với các doanh nghiệp cùng loại hình hoặc muốn sáp nhập thì một trong hai doanh nghiệp phải chuyển đổi loại hình như doanh nghiệp còn lại. Với Luật doanh nghiệp 2014, vấn đề này đã được loại bỏ và các doanh nghiệp khác loại hình có thể tự do M&A.
Trên phương diện tư vấn M&A cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài, ông Seck Yee Chung - Luật sư điều hành Baker & Mckenzie cũng nhận thấy Luật đầu tư mới đã cho thấy Chính phủ Việt Nam sẵn lòng lắng nghe và cho những nhà đầu tư mới vào các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Nhà đầu tư được cấp phép và M&A diễn ra trôi chảy hơn. Ngoài một số lĩnh vực đặc biệt như casino, khoáng sản thì thủ tục hành chính để đăng ký đầu tư đã được rút ngắn đáng kể còn 2 đến 3 ngày. Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước sở hữu từ 51% ở ngành không thuộc điều kiện thì có thể M&A mà không cần qua xét duyệt hay giao dịch M&A của nhà đầu tư nước ngoài cũng coi như nhà đầu tư trong nước với nhau.
Đánh giá về thủ tục, ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, Bộ đã thiết kế hệ thống liên thông nội bộ. Khi nhà đầu tư đến thì vừa được cấp phép đầu tư lẫn giấy phép đăng ký doanh nghiệp. Trong đó đăng ký doanh nghiệp chỉ cần chứng minh nhân dân hay hộ chiếu, điều lệ công ty, danh sách thành viên, tỷ lệ nắm giữ cổ phần, đơn xin thành lập doanh nghiệp. Tất cả các thủ tục xin giấy phép đầu tư, đăng ký doanh nghiệp và chuyển cho cơ quan chuyên trách sẽ được thực hiện trong vòng 3 ngày.
Ông Đông cũng cho hay, thủ tục nhiều hay ít không quan trọng bằng việc chính sách có minh bạch hay không. Theo đó, Bộ sẽ lên danh sách các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều này có liên quan đến điều kiện gia nhập thị trường và tỷ lệ nắm giữ nước ngoài là 49% hay 100%, nhà đầu tư có thể tra cứu thông tin này trên các công ty luật tư vấn.
3 yếu tố để có được sự bùng nổ M&A
Ông Bùi Ngọc Hồng - LNT & Partners nhận định cần có 3 yếu tố để bùng nổ M&A.
Thứ nhất là cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam đang “đáo hạn” như WTO.
Thứ hai là cơ chế Luật doanh nghiệp và Đầu tư đưa ra rõ ràng, thuận lợi, trước đây khi đầu tư vào Việt Nam bằng M&A, nếu muốn nâng tỷ lệ sở hữu 1% phải chạy không ít giấy phép, hiện nay mua dưới 50% ở các ngành nghề không điều kiện không cần “chạy” thủ tục nữa.
Cuối cùng là vấn đề minh bạch thông tin đã được cải thiện, các điều kiện đầu tư đã được đưa lên cổng thông tin quốc gia.
Tuy nhiên, ông Hồng cũng bày tỏ lo lắng trong thời gian qua, M&A triển khai còn chậm do triển khai luật chậm trễ và kỳ vọng thời gian tới văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư được đưa ra sớm để nhà đầu tư nước ngoài có thể đưa ra quyết định đầu tư nhanh chóng.
Trần Hạnh
|