Petro Vietnam: Mục tiêu lớn nhưng... thiếu tiền
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia trước áp lực lớn về vốn nếu muốn thực hiện các mục tiêu chiến lược.
Không dễ để Petro Vietnam tìm đủ nguồn vốn theo kế hoạch đầu tư đã duyệt.
|
Thường xuyên ở vị thế của doanh nghiệp số 1 Việt Nam, nhưng nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petro Vietnam) có vẻ đang đứng trước thử thách lớn về nguồn vốn.
Những kế hoạch hàng trăm ngàn tỷ
Vốn cho đầu tư phát triển là một nội dung được Petro Vietnam đưa ra trong tài liệu đại hội Đảng bộ tập đoàn này, tổ chức cuối tháng 7 vừa qua.
Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, theo chiến lược phát triển của ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 và đề án tái cơ cấu Petro Vietnam giai đoạn 2012 - 2015 đã được phê duyệt, tập đoàn cần nguồn vốn đầu tư phát triển là 782.902 tỷ đồng.
Số liệu này cũng được căn cứ vào kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, năng lực hiện nay của tập đoàn và dự báo giá dầu giai đoạn 2016 - 2020.
Trong số này, lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí là 348.143 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 192.491 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực công nghiệp khí, tổng nhu cầu đầu tư là 116.007 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 38.277 tỷ đồng. Lĩnh vực công nghiệp điện, tổng nhu cầu đầu tư 147.827 tỷ đồng, trong vốn chủ sở hữu 44.348 tỷ đồng.
Hai lĩnh vực còn lại cũng đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, đó là công nghiệp chế biến dầu khí, với tổng nhu cầu đầu tư 107.903 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 32.788 tỷ đồng và lĩnh vực dịch vụ dầu khí với tổng nhu cầu đầu tư 62.952 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 18.886 tỷ đồng.
Nhu cầu lớn là vậy, nhưng theo thừa nhận của một lãnh đạo Petro Vietnam, việc huy động là rất khó khăn trong bối cảnh hiện nay, cho dù tập đoàn đã “tích tụ, tập trung được một số nguồn lực tài chính”.
Thiếu 70 ngàn tỷ trong 5 năm tới?
Một trong những khó khăn chính được Petro Vietnam “điểm danh” là do thay đổi chính sách.
Cụ thể, các văn bản gồm Nghị định số 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có hiệu lực, đã điều tiết thu gần như toàn bộ lợi nhuận sau thuế của Petro Vietnam.
Khó khăn thứ hai là giá dầu thô, giai đoạn 2011-2013 giá dầu trung bình là 115 - 112 USD/thùng và từ tháng 9/2014 đến nay giá dầu suy giảm mạnh, giá dầu Brent vào đầu tháng 7/2015 còn 56,54 USD/thùng và chưa có dấu hiệu phục hồi, làm giảm nguồn thu của tập đoàn.
Lý do thứ ba được Petro Vietnam nêu ra là tỷ lệ thành công của các dự án dầu khí thấp, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu sụt giảm, sự can thiệp của nước ngoài trên biển Đông làm ảnh hưởng tới tiến độ các dự án, điều kiện triển khai các dự án dầu khí ngày càng phức tạp, chi phí tăng cao, việc vay vốn thương mại rất khó khăn.
Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư, tăng vốn đầu tư cần thu xếp, đồng thời làm chậm dòng tiền thu gây khó khăn cho cân đối vốn; mặt khác biến động lãi suất, biến động tỷ giá cũng gây khó công tác thu xếp vốn.
Việc tiếp nhận 5 dự án điện than có vốn đầu tư lớn cũng với các doanh nghiệp hay dự án từ Vinashin, bản chất là gánh các khoản nợ, cũng khiến Petro Vietnam gặp thêm khó khăn tài chính.
Các tính toán của Petro Vietnam cho thấy, để đạt mục tiêu chiến lược phát triển đã đề ra, nhu cầu đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến cao gấp 1,8 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.
Khả năng huy động vốn qua các ngân hàng và các tổ chức tín dụng là rất khó khăn, không thể bù đắp thiếu hụt nguồn vốn chủ sở hữu, trong khi các dự án trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò có nhu cầu vốn lớn nhưng rủi ro cao, vì vậy chủ yếu phải dựa vào nguồn vốn này…
Vì vậy, Petro Vietnam dự báo trong những năm tới nguồn vốn đầu tư của tập đoàn này bị thiếu hụt nghiêm trọng, cuối 2017 bắt đầu thiếu trên 14 nghìn tỷ đồng, đến cuối năm 2020 sẽ thiếu khoảng 70 nghìn tỷ đồng.
Anh Minh
vneconomy
|