Nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu Mỹ mạnh nhất từ năm 1993
Theo Morningstar, nhà đầu tư đã rút tới 78.7 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu của Mỹ từ đầu năm 2015 đến nay, mức cao nhất kể từ năm 1993 và tồi tệ hơn cả mức rút ròng trong các năm khủng hoảng tài chính khi S&P 500 lao dốc tới 60%.
* Lịch sử chiến tranh tiền tệ
* Cảnh báo "cuộc chiến tiền tệ" sau khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá
Số liệu được Morningstar công bố hôm thứ Sáu (14/08) cho thấy chỉ riêng trong tháng 7, các quỹ đầu tư cổ phiếu trong nước đã bị thất thoát tới 20.4 tỷ USD, nâng tổng lượng rút ròng trong 12 tháng qua lên 158.6 tỷ USD. Thậm chí việc dòng vốn chảy mạnh vào các quỹ ETF cũng không thể bù đắp được lượng vốn mà nhà đầu tư cá nhân đã rút khỏi các quỹ tương hỗ.
Từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã tăng khoảng 1.5% và có tổng tỷ suất sinh lời 3.4%, nhẹ hơn so với mức tăng của các chỉ số khác, đặc biệt là các chỉ số tập trung vào cổ phiếu quốc tế, chẳng hạn như MSCI-EAFE. Trong năm nay, MSCI-EAFE đã tăng khoảng 4% và có tổng tỷ suất sinh lời gần 7%.
Alina Lamy, Chuyên viên phân tích cấp cao tại Morningstar nhận định: “Ngoài việc dòng vốn phản ánh diễn biến của thị trường, xu hướng này cũng cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư về tương lai. Quan điểm chung lúc này là Mỹ đang trong giai đoạn cuối của thị trường giá lên”.
“Xét trên quy mô toàn cầu, các quốc gia đang rẻ hơn nhờ các yếu tố cơ bản, và châu Âu cũng như Nhật Bản vẫn đang tích cực kích thích nền kinh tế của mình. Nhà đầu tư nhận thức được rằng Mỹ và châu Âu đang ở 2 điểm khác nhau trong chu kỳ kinh tế và điều này được phản ánh qua dòng vốn”.
Thực vậy, các quỹ đầu tư cổ phiếu quốc tế đã phát triển mạnh không chỉ ở tỷ suất sinh lời mà còn thu hút được tiền mặt của nhà đầu tư. Các quỹ đầu tư như vậy đã thu hút được 179.3 tỷ USD, mức cao nhất trong tất cả các kênh tài sản (xem hình bên dưới).
Nguồn: CNBC
|
Phước Phạm (Theo CNBC)
|