Chứng khoán Việt Nam vẫn là điểm sáng Đông Nam Á khi Fed nâng lãi suất
Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục nới rộng đà phục hồi mạnh nhất Đông Nam Á nhờ kế hoạch nới room khối ngoại và đà tăng trưởng ngày càng mạnh của nền kinh tế, nhận định của Asia Frontier Capital và Coeli Asset Management trên Bloomberg.
* Nới room ngoại 100%: Không dễ thâu tóm thù địch
* Nghị định 60: Room ngoại sẽ được “cởi trói” từ tháng 9/2015
* Toàn văn Nghị định số 60/2015/NĐ-CP về chứng khoán
Chỉ số VN-Index đã tăng 11% trong năm 2015 lên mức cao nhất trong 5 năm trong khi cùng kỳ chỉ số MSCI Đông Nam Á (MSCI Southeast Asia Index) lại giảm 12%. Dù tăng mạnh như vậy nhưng hiện VN-Index vẫn rẻ hơn 18% so với MSCI Southeast Asia Index. Số liệu tại ngày 06/08 cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 223.1 triệu USD cổ phiếu Việt Nam trong năm nay và đang hướng đến năm mua ròng thứ 10 liên tiếp.
Trong khi đà lao dốc của giá hàng hóa và viễn cảnh lãi suất cao hơn tại Mỹ sẽ tác động xấu đến cổ phiếu của các nước từ Indonesia đến Thái Lan thì các nhà quản lý quỹ thị trường sơ khai lại lạc quan hơn về triển vọng của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 2 năm và nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) sắp được phép nâng cổ phần trong một số lĩnh vực nhất định.
“Nói chung, chúng tôi rất lạc quan về thị trường”, nhận định của ông Thomas Hugger, Giám đốc điều hành của Asia Frontier Capital tại Hồng Kông. Ông nói thêm: “Chúng tôi đang tiếp tục mua vào cổ phiếu Việt Nam vì các số liệu kinh tế tốt và thị trường chứng khoán đang giao dịch với giá rẻ”. Được biết, hiện VN-Index đang giao dịch với P/E 12 lần, thấp hơn so mức 14.7 lần của MSCI Southeast Asia Index.
Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2015 ở mức 6.2%, cao hơn so với con số 6% trong năm ngoái. Lạm phát đã duy trì dưới mức 1% trong 5 tháng đầu năm nay và ghi nhận sự sụt giảm mạnh so với mức đỉnh hơn 28% vào tháng 8/2008.
Các cơ quan quản lý xem đầu tư nước ngoài là một trong những nhân tố quan trọng cho sự phát triển của TTCK Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đang nỗ lực để được MSCI nâng hạng từ thị trường sơ khai lên thị trường mới nổi.
“Việc nới room cho NĐTNN là một sự kiện cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam”, nhận định của ông James Bannan, người điều hành 130 triệu USD tại Quỹ Frontier Markets Fund ở Coeli (Thụy Điển). Theo ông, bước quan trọng tiếp theo trong việc mở cửa thị trường là ủng hộ Chính phủ cắt giảm tỷ lệ sở hữu tại rất nhiều doanh nghiệp niêm yết.
Bannan cho biết ông đang tiếp tục mua vào cổ phiếu của Việt Nam, nhất là các công ty liên quan đến chi tiêu tiêu dùng.
Theo Project Asia Research & Consulting Pte., nhà đầu tư nước ngoài có thể nản lòng trước quy trình kéo dài liên quan đến việc chấp thuận cho các doanh nghiệp nới room.
Theo nghị định ban hành hôm 26/06 và dự kiến có hiệu lực vào tháng 9, NĐTNN sẽ được phép nâng cao tỷ lệ sở hữu tại một số lĩnh vực nhất định từ mức 49% như hiện nay lên 100%, trừ lĩnh vực ngân hàng vẫn là 30%. Được biết, mức trần 49% sẽ được áp dụng đối với một số lĩnh vực chưa được xác định rõ trong khi tất cả các cổ phiếu sẽ không bị giới hạn room trừ khi công ty tự ấn định tỷ lệ riêng của mình. Hôm 06/08, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) Vũ Bằng cho biết các hướng dẫn sẽ được ban hành trong tháng này.
Quá trình mở cửa lĩnh vực doanh nghiệp cùng với dân số trẻ và nhân công rẻ sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường sơ khai hấp dẫn nhất khu vực, ông Shamoon Tariq, nhà quản lý danh mục tại Tundra Fonder cho biết. Việc nới room nước ngoài giúp Việt Nam tiến gần hơn đến cơ chế thị trường mở và điều này sẽ rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế. Tariq cho biết ông đang mua thêm cổ phiếu của Việt Nam.
Phước Phạm (Theo Bloomberg)
|