Thứ Tư, 12/08/2015 16:14

Ai được, ai mất khi Nhân dân tệ phá giá?

Các nhà xuất khẩu của Trung Quốc nói chung được hưởng lợi từ đồng Nhân dân tệ giảm giá.

Công nhân làm việc trong một nhà máy may ở tỉnh An Huy, Trung Quốc - Ảnh: WSJ/EPA.

Các hãng hàng không Trung Quốc và các nhà sản xuất xe sang của châu Âu là hai trong số những đối tượng chịu thiệt hại sớm nhất sau động thái phá giá đồng Nhân dân tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC).

Ngược lại, đối tượng hưởng lợi từ đồng Nhân dân tệ xuống giá đương nhiên là các nhà xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Dưới đây là một số nhóm đối tượng có tiềm năng chịu thiệt hại hoặc hưởng lợi từ việc Nhân dân tệ mất giá, theo hãng tin Bloomberg:

Mất

Các hãng hàng không Trung Quốc

Các hãng bay của Trung Quốc vay nợ chủ yếu bằng USD. Đồng Nhân dân tệ mất giá sẽ làm gia tăng số nợ này khi quy đổi thành Nhân dân tệ và ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của các công ty hàng không Trung Quốc.

Trong phiên giao dịch ngày 11/8, cổ phiếu của China Southern Airlines giảm 18% tại thị trường Hồng Kông, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2001. Cổ phiếu của China Eastern Airlines sụt 16%, mạnh nhất trong 7 năm.

Theo báo cáo tài chính năm 2014 của China Southern Airlines, cứ 1% giảm xuống trong tỷ giá đồng Nhân dân tệ kéo theo mức giảm 767 triệu Nhân dân tệ, tương đương 121 triệu USD, trong lợi nhuận hàng năm của hãng này.

Các công ty đồ xa xỉ châu Âu

Liên minh Châu Âu (EU) là một đối tác thương mại chính của Trung Quốc, nên thị trường Trung Quốc và tầng lớp trung lưu phát triển nhanh của nước này được xem là “khách sộp” của các hãng đồ hiệu trong khu vực. Đồng Nhân dân tệ mất giá khiến người Trung Quốc sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua xe hơi Đức, đồng hồ Thụy Sỹ hay túi xách Pháp.

Giá cổ phiếu của hãng xe Đức BMW giảm 4% trong phiên ngày 11/8. Năm 2014, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 19% doanh thu của BMW, đồng thời đóng góp khoảng 10% doanh số cho một hãng xe Đức khác là Daimler.

Giá cổ phiếu của hãng đồ hiệu Pháp LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton SE mất 5,4% trong phiên ngày 11/8. Thị trường châu Á không bao gồm Nhật Bản chiếm khoảng 29% doanh thu của hãng này trong năm 2014.

Các hãng sản xuất hàng tiêu dùng có Trung Quốc là thị trường lớn nhất

Giá cổ phiếu của hãng công nghệ Mỹ Apple giảm 5,2% trong phiên ngày 11/8, mạnh nhất kể từ tháng 1/2014. Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là thị trường lớn thứ nhì đối với sản phẩm điện thoại thông minh (smartphone) của Apple.

Việc phá giá đồng Nhân dân tệ có thể sẽ buộc Apple phải tăng giá bán sản phẩm ở Trung Quốc hoặc chấp nhận tỷ suất lợi nhuận đi xuống và tăng trưởng doanh số giảm tốc.

Cổ phiếu hãng đồng hồ Thụy Sỹ Swatch Group AG giảm 3,6%. Thị trường Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông và Đài Loan chiếm 37% doanh thu của hãng này trong năm 2014.

Các công ty khai khoáng

Đồng nội tệ của Trung Quốc mất giá làm tăng giá nhập khẩu hàng hóa vào nước này, trong đó có hàng hóa cơ bản. Vale SA, nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất Trung Quốc, chứng kiến giá cổ phiếu giảm 5,1% trong phiên ngày 11/8 tại Sao Paulo, Brazil. Trung quốc chiếm 37% doanh thu của Vale trong quý 2 vừa qua.

Thị trường Trung Quốc cũng đóng góp 35% doanh thu hãng khai mỏ BHP Billiton của Australia trong năm 2014 và chiếm 38% doanh thu của nhà khai mỏ Rio Tinto.

Các đồng tiền ở khu vực châu Á

Tất cả các đồng tiền chủ chốt của châu Á cùng mất giá do lo ngại đồng Nhân dân tệ yếu sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách trong khu vực phải phá giá đồng tiền của nước mình nhằm giúp cho hàng xuất khẩu cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Đồng Đôla Singapore mất giá 1,4% trong phiên ngày 11/8, mạnh nhất kể từ năm 2011, trong khi đồng Won Hàn Quốc có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2013.

Được

Các nhà xuất khẩu của Trung Quốc nói chung được hưởng lợi từ đồng Nhân dân tệ giảm giá.

Giá cổ phiếu của tập đoàn chế tạo máy China Machinery Engineering Corp. tăng tới 5,9% trong phiên ngày 11/8 tại thị trường Hồng Kông, trong khi cổ phiếu hãng công nghệ Lenovo tăng 2,9%. Hai công ty này đều có hơn 65% doanh thu là từ thị trường xuất khẩu.

Mấy năm qua, xuất khẩu ôtô của Trung Quốc giảm tốc do đồng Yên Nhật và đồng Won Hàn Quốc cùng xuống giá làm gia tăng sức cạnh tranh về giá của xe do hai nước này sản xuất. Bởi thế, đồng Nhân dân tệ yếu sẽ là một tin tốt đối với lĩnh vực xuất khẩu xe của Trung Quốc.

Các công ty hàng dệt may xuất khẩu của Trung Quốc đương nhiên cũng hưởng lợi từ động thái phá giá đồng Nhân dân tệ.

Giá cổ phiếu của Huafang Ltd., một công ty dệt Trung Quốc, tăng 10% trong phiên giao dịch ngày 11/8 ở Thượng Hải. Cổ phiếu của Li & Fung Ltd., một công ty có trụ sở ở Hồng Kông chuyên bán hàng tiêu dùng Trung Quốc ở Mỹ và châu Âu, cũng tăng 5% tại thị trường Hồng Kông.

Diệp Vũ

vneconomy

Các tin tức khác

>   Điều gì xảy ra với cơ chế tỷ giá của TQ? (12/08/2015)

>   “Cơn bão toàn diện” trên thị trường tiền tệ châu Á sau 2 ngày phá giá của Trung Quốc (12/08/2015)

>   Sau 1 ngày, Trung Quốc giảm tiếp tỷ giá thêm 1.6% (12/08/2015)

>   Con rồng Trung Quốc đã hết hơi? (12/08/2015)

>   Dầu xuống đáy 6 năm sau quyết định của Trung Quốc và thông báo của OPEC (12/08/2015)

>   Đức hưởng lợi 100 tỷ euro từ khủng hoảng Hy Lạp (11/08/2015)

>   Kinh tế Mỹ Latinh căng thẳng (11/08/2015)

>   Dầu lao dốc: Kinh tế Na Uy khốn đốn (11/08/2015)

>   Xuất khẩu Mỹ vào Cuba có thể tăng 1 tỷ USD mỗi năm nếu bỏ cấm vận (11/08/2015)

>   Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế đạt thỏa thuận về gói cứu trợ thứ 3 (11/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật