Thứ Tư, 12/08/2015 15:33

“Cơn bão toàn diện” trên thị trường tiền tệ châu Á sau 2 ngày phá giá của Trung Quốc

Theo giới phân tích, động thái phá giá tiền tệ đầy bất ngờ của Trung Quốc, khả năng sắp nâng lãi suất của Fed và đà tăng trưởng kinh tế ngày càng suy yếu tại châu Á đã tạo ra một cơn bão toàn diện cho các đồng tiền của khu vực này. Các nhà phân tích cũng cảnh báo nhà đầu tư sẽ đối mặt với tình trạng biến động kéo dài trong thời gian tới.

* Sau 1 ngày, Trung Quốc giảm tiếp tỷ giá thêm 1.6%

* NHNN tăng biên độ tỷ giá lên +/-2%

* Chiến tranh tiền tệ châu Á sẽ quay lại?

 

Theo đó, các đồng tiền của châu Á đã chứng kiến phiên sụt giảm mạnh thứ 2 liên tiếp trong ngày thứ Tư khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thiết lập tỷ giá tham chiếu bình quân thậm chí còn thấp hơn so với ngày thứ Ba, qua đó khơi dậy nỗi lo về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Cụ thể, đồng rupiah của Indonesia dẫn đầu đà sụt giảm khi đánh mất 1.7% so với đồng USD xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/1998, trong khi đồng ringgit của Malaysia trượt 1.4% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/1998. Tương tự, đồng dollar Singapore, đồng dollar Đài Loan và đồng peso của Philippine cũng đồng loạt chạm mức thấp nhất trong 5 năm.

Trước giờ mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư, PBoC đã thiết lập tỷ giá bình quân ở mức 6.3306 CNY/USD, thấp hơn đáng kể so với mức ấn định 6.2298 trong ngày thứ Ba và mức đóng cửa của ngày hôm đó tại 6.3231. Theo Reuters, con số 6.3306 CNY/USD là mức thấp nhất của đồng tiền này kể từ tháng 10/2012.

Với biên độ dao động +/-2%, đồng Nhân dân tệ sau đó đã giảm tiếp 1.6% và giao dịch tại 6.4266 CNY/USD.

“Mức tỷ giá ấn định trong ngày hôm nay đã gây ra một đợt biến động mới trên các thị trường tiền tệ châu Á. Điều khá ngạc nhiên là PBoC đã thực sự ấn định tỷ giá bình quân khá sát với mức đóng cửa của ngày hôm qua. Đã xuất hiện một số hoài nghi về việc liệu Trung Quốc có thực sự thực hiện được việc định giá theo cơ chế thị trường”, nhận định của ông Mitul Kotecha, Trưởng Bộ phận Chiến lược Ngoại hối châu Á – Thái Bình Dương tại Barclays. Ông nói thêm: “Điều này cho thấy ý định nghiêm túc của ngân hàng trung ương”.

Các nhà phân tích cho biết, cường độ bán tháo ở các đồng tiền châu Á phản ánh một số yếu tố như: đồng Nhân dân tệ yếu sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh xuất khẩu của các quốc gia láng giềng Trung Quốc và xóa sạch sức mua của nước này, qua đó có thể làm giảm nhập khẩu.

“Hầu hết các quốc gia đều muốn đồng tiền của mình suy yếu nếu quốc gia chủ chốt trong khu vực đang làm suy yếu đồng tiền của mình”, nhận định của bà Emma Lawson, chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại National Australia Bank. Bà nói thêm, các ngân hàng trung ương ít muốn bảo vệ đồng tiền của mình trong bối cảnh thị trường như hiện nay.

Bà Lawson cho biết: “Nếu có khái niệm về việc sẽ có một khoản trợ cấp cho sự mất giá của đồng tiền, điều này sẽ gia tăng sự tháo chạy của dòng vốn và các kịch bản bán tháo này thường sẽ tự phục hồi”.

Một số quan chức ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính trong khu vực đã phát đi các thông báo liên quan đến đà sụt giảm mạnh của đồng nội tệ của mình. Ngân hàng Trung ương Indonesia cho biết đà giảm giá của đồng rupiah không phản ánh các yếu tố cơ bản của nền kinh tế mà cho thấy tâm lý trên toàn cầu, trong khi Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc cho biết Chính phủ nước này đang theo dõi sát sao thị trường ngoại hối.

Động thái thay đổi chính sách đầy bất ngờ của PBoC chính là mối bận tâm mới nhất của các đồng tiền châu Á trong bối cảnh các đồng tiền này đã và đang vật lộn với đà tăng mạnh của đồng bạc xanh.

Trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ vào tháng 9 tới và đà tăng trưởng ngày càng suy yếu của nền kinh tế châu Á, các nhà phân tích cho biết động thái của Trung Quốc có thể khiến các đồng tiền khu vực đối mặt với rủi ro giảm giá mạnh hơn.

Bà Lawson cho biết bà nhận thấy áp lực đang gia tăng và biến động cũng leo thang, đặc biệt là khi Fed sắp hành động.

Phước Phạm (Theo CNBC)

Các tin tức khác

>   Sau 1 ngày, Trung Quốc giảm tiếp tỷ giá thêm 1.6% (12/08/2015)

>   Con rồng Trung Quốc đã hết hơi? (12/08/2015)

>   Dầu xuống đáy 6 năm sau quyết định của Trung Quốc và thông báo của OPEC (12/08/2015)

>   Đức hưởng lợi 100 tỷ euro từ khủng hoảng Hy Lạp (11/08/2015)

>   Kinh tế Mỹ Latinh căng thẳng (11/08/2015)

>   Dầu lao dốc: Kinh tế Na Uy khốn đốn (11/08/2015)

>   Xuất khẩu Mỹ vào Cuba có thể tăng 1 tỷ USD mỗi năm nếu bỏ cấm vận (11/08/2015)

>   Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế đạt thỏa thuận về gói cứu trợ thứ 3 (11/08/2015)

>   Hy Lạp và các chủ nợ đạt thỏa thuận về mục tiêu ngân sách (11/08/2015)

>   Trung Quốc phá giá nhân dân tệ (11/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật