Xã hội hóa phát triển hạ tầng đường sắt: Vì sao vẫn ì
Mặc dù không ít "ông lớn" cả trong và nước ngoài đánh tiếng muốn được tham gia xã hội hóa (XHH) đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt nhưng đến nay, tiến độ triển khai đề án huy động vốn XHH đầu tư hạ tầng đường sắt vẫn đang ì ạch. Sự chưa phân định rõ đầu mối quản lý khiến cho các nhà đầu tư và ngay cả các cơ quan chức năng ngành đường sắt cũng lúng túng.
Nhiều "ông lớn" sẵn sàng đầu tư
XHH kết cấu hạ tầng giao thông vận tải (GT-VT) là một trong những chủ trương lớn của Bộ GT-VT. Theo đề án "Huy động vốn XHH để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt" vừa được bộ chủ quản phê duyệt, có khoảng 17 dự án được đề xuất kêu gọi XHH đầu tư. Trong đó, 12 dự án trên hệ thống đường sắt hiện có, còn lại là dự án đường sắt xây dựng mới.
Hạ tầng đường sắt vẫn lạc hậu, đòi hỏi phải cấp thiết thay đổi. Ảnh: Bảo Anh
|
Ngay sau khi đề án được công bố, đã có rất nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế bày tỏ mong muốn được tham gia. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã mời một số nhà đầu tư như Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ khách sạn Bạch Đằng, Công ty cổ phần Giao nhận và vận chuyển Indo Tran Logistics (ITL), Công ty TNHH Express Trains ATH… cùng khảo sát, đề xuất quy mô công năng của từng công trình, đề xuất quyền khai thác công trình. Tập đoàn Vingroup đề nghị được đầu tư vào các tuyến đường sắt Hà Nội - Đà Nẵng, Sài Gòn - Đà Nẵng và đặc biệt rất mong muốn được đầu tư vào tuyến Hà Nội - Lào Cai. Nếu được cấp phép, doanh nghiệp sẽ nghiên cứu đầu tư những đoàn tàu tiêu chuẩn ngang với Singapore để thu hút khách du lịch.
Liên doanh Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) và Công ty Logistics đường sắt (ITL) lại quan tâm việc đầu tư cải tạo và xây dựng kho bãi hàng tại ga Yên Viên. Ông Bùi Quang Liên - Giám đốc ITL cho biết: Công ty đã soạn thảo đề án xây dựng trung tâm logistics đường sắt tại ga Yên Viên. Nếu được chấp thuận, doanh nghiệp sẽ đầu tư cải tạo ngay, với mục tiêu tăng tần suất chạy tàu dịch vụ vận chuyển hàng hóa thông qua các ga phía Bắc. Vì khi hoàn thiện hạ tầng kho bãi, sẽ nâng cao được năng lực xếp dỡ container và hàng hóa, giúp giảm giá thành vận chuyển trọn gói thông qua kết hợp liên vận đường sắt - đường bộ - đường biển, từ đó giảm tải cho đường bộ và đem lại lợi ích cho xã hội.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Phát triển công cộng Ý - Thái (ITD) của Thái Lan đề xuất đầu tư xây dựng và khai thác tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và Hạ Long - Móng Cái theo hình thức BOT. Đồng thời, đầu tư cảng cạn tại huyện Gia Lâm để tăng hiệu quả khai thác hai tuyến đường sắt trên.
Lúng túng vì chưa rõ đầu mối
Chủ trương đã có, các nhà đầu tư đều đã sẵn sàng nhưng quá trình triển khai lại không như mong muốn. Tại cuộc họp kiểm điểm việc triển khai đề án "Huy động vốn XHH đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt", Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá, các đơn vị triển khai còn chậm và lúng túng. Các đầu mối được giao thực hiện chưa thực sự vào cuộc.
Ông Vũ Tá Tùng - Tổng Giám đốc VNR thừa nhận, mặc dù nhận được nhiều đề xuất từ các nhà đầu tư, nhưng hiện nay VNR rất lúng túng. Về hình thức đầu tư, cả VNR và một số đối tác chưa xác định được đầu tư theo phương thức nào để vừa hiệu quả vừa đúng quy định của Nhà nước. Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng, việc xác định phương án thu hồi vốn đầu tư cũng còn nhiều vướng mắc. Các nhà đầu tư băn khoăn sẽ được thu trực tiếp từ công trình hay thu qua giá vận chuyển? Ngoài ra, Bộ GT-VT cũng như VNR chưa công bố tiêu chuẩn hay đánh giá tình hình kỹ thuật thực tế của các tuyến đường sắt để làm cơ sở chuyển nhượng khai thác. Một số ý kiến cho rằng, chính việc chưa phân định rõ đầu mối quản lý, chưa quy định rõ các chủ thể quản lý, sở hữu tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đã ảnh hưởng lớn tới tiến độ và hiệu quả của chủ trương XHH.
Để giải quyết vấn đề này, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, với những tuyến đường sắt hiện hữu cùng cơ sở hạ tầng nhà ga, kho, bãi hàng, VNR chủ trì tiếp nhận, đề xuất đầu tư, nghiên cứu, xây dựng phương án hoặc báo cáo Bộ GT-VT những vấn đề còn vướng mắc. Đối với nhượng quyền khai thác tuyến đường sắt hiện hữu, Cục Đường sắt Việt Nam quản lý và đề xuất cơ chế để triển khai thí điểm. Ban Quản lý dự án Đường sắt là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất hình thức đầu tư đối với dự án xây dựng tuyến mới như Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Sài Gòn - Lộc Ninh…
Tuấn Khải
Hà nội mới
|