Thêm “chất xúc tác” làm “rã đông” cho thị trường bất động sản
Hàng loạt các chính sách được “cởi trói” sau ngày 01/07 được đánh giá sẽ giúp cho thị trường có thêm “chất xúc tác” để làm tan tảng băng bất động sản.
Nhìn lại thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu từ năm 2011 đã trải qua một giai đoạn dài đóng băng” khi ngân hàng đột ngột “khóa van” tín dụng. Đây được xem là hệ quả của quá trình phát triển quá nóng trong giai đoạn trước đó. Và theo thống kê của Bộ Xây dựng thì đến cuối năm 2013, tổng giá trị tồn kho bất động sản ở mức khoảng 94,458 tỷ đồng – một con số quá khủng. Số lượng giao dịch thành công khi đó giảm mạnh, nhiều nơi không có giao dịch kéo theo giá nhà ở tất cả các phân khúc theo đó giảm đáng kể. Không ít doanh nghiệp xây dựng, bất động sản rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, phá sản trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, cũng vào thời điểm này, hàng loạt giải pháp, chính sách từ Chính phủ được tung ra nhằm mục đích “rã đông” cho bất động sản. Trong số này phải kể đến gói hỗ trợ tín dụng 30,000 tỷ đồng dành cho bất động sản có hiệu lực kể từ 01/06/2013.
Mặc dù cho đến hiện nay, tốc độ giải ngân gói 30,000 tỷ đồng không như mong đợi khi chỉ mới thực hiện hơn 20% (đến cuối tháng 6/2015) nhưng phải thừa nhận rằng nó đã tạo “cú huých” tích cực đáng kể lên tâm lý toàn thị trường. Bằng chứng là phân khúc thấp và trung bình đã phần nào cho thấy sự sôi động trở lại. Theo Cục Quản lý nhà & Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) vừa công bố tình hình giao dịch trong 6 tháng đầu năm của thị trường bất động sản, lượng giao dịch thành công liên tục tăng và đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Hà Nội, 6 tháng đầu năm, có khoảng 9,250 giao dịch thành công, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 6 có khoảng 1,750 giao dịch thành công, tăng 6% so với tháng trước.
Cùng thời điểm, tại TP. Hồ Chí Minh thị trường có khoảng 8,750 giao dịch thành công, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng tháng 6 đã có khoảng 1,700 giao dịch thành công, tăng khoảng 6% so với tháng 5 trước đó.
Đáng chú ý, số lượng hàng tồn kho trong 2 năm qua đã giảm gần một nửa. Tính đến ngày 20/5, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 67,443 tỷ đồng. So với quý I năm 2013, con số này giảm 61,105 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 48%.
Thêm “chất xúc tác”
Tảng băng bất động sản rõ ràng đang được “rã đông” sau một thời gian dài ngưng trệ. Các chính sách, hành lang pháp lý minh bạch cùng sự “mở van” tín dụng trở lại từ phía ngân hàng đã giúp thị trường bước đầu vượt qua khó khăn. Đặc biệt hơn, những chính sách sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 được đánh giá là một “chất xúc tác” giúp cho BĐS “tan băng” nhanh hơn.
Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm "Việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà là một bước ngoặt, một cuộc cách mạng cho thị trường bất động sản".
|
Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (HOSE: NTL) cho biết các chính sách về đất đai và nhà ở có hiệu lực từ 1/7 sẽ tạo những hành lang pháp lý tốt, để việc mua bán đất đai, nhà ở được quản lý chặt chẽ. Sự thông thoáng cũng được nới rộng hơn khi cho phép toàn bộ các thành phần trong xã hội được quyền kinh doanh bất động sản. Đây thật sự là một sự cởi trói về chính sách giúp tảng băng bất động sản đang được tan ra.
Trong khi Luật Đất đai sửa đổi 2013 và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi 2014 bắt buộc chủ đầu tư thận trọng hơn trong quyết định đầu tư và đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn đối với nhà đầu tư để tránh tình trạng đầu cơ làm giá thì Luật Nhà ở sửa đổi 2014 sẽ mở rộng cửa cho người nước ngoài được mua nhà ở và đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Cụ thể, ngoài 2 nhóm là “tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam” và “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam”, Luật Nhà ở bổ sung đối tượng được phép mua nhà tại Việt Nam là các “cá nhân người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam”.
Rất nhiều chuyên gia đánh giá tích cực về chính sách này. Trả lời báo chí gần đây, GS Đặng Hùng Võ khẳng định việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà là bước đột phá mạnh mẽ, tạo niềm tin phát triển phân khúc bất động sản cao cấp.
Còn Chủ tịch Nhà Từ Liêm, ông Kha nhận định đây thực sự là một bước ngoặt, một cuộc cách mạng cho thị trường bất động sản. Điều này không chỉ tác động trực tiếp đến các dự án có thể bán cho nước ngoài, mà còn tác động tâm lý đến dòng vốn trong nước. Nhiều nhà đầu tư trong nước sẽ mạnh dạn bung tiền, mua nhà, với kỳ vọng bán lại cho nước ngoài.
Không chỉ tốt cho thị trường chung, chính sách này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản giải phóng một lượng hàng tồn kho lớn, sẽ giúp cho họ có nhiều cơ hội triển khai các dự án mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải chủ động, tránh tình trạng “nằm chờ” mà có thể mất đi cơ hội giải phóng tồn kho.
Ông Kha cho biết “HĐQT NTL đã có chiến lược kinh doanh bất động sản trong giai đoạn tới khi chính sách cho người người ngoài mua nhà có hiệu lực. Trên cơ sở này, chúng tôi đánh giá KQKD Quý 2 đạt kết quả rất khả quan và NTL sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015”.
Gia Nguyên
|