Nới lỏng cấp visa để phát triển ngành du lịch khách sạn Việt Nam
Đó là một đề xuất của Grant Thornton Việt Nam đưa ra tại buổi công bố kết quả của chương trình khảo sát ngành Dịch vụ Khách sạn năm 2015 ngày 03/07.
Ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam
|
Trong quý 1/2015, Grant Thornton cho biết có hơn 2 triệu lượng khách du lịch đến Việt Nam, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Và đây không phải là dấu hiệu tốt cho ngành du lịch Việt Nam trong năm nay.
Theo đó, nguyên nhân xuất phát từ tác động cuộc khủng hoảng quốc tế và khu vực, đặc biệt sự mất giá đồng ruble đã tác động đến Việt Nam bởi sự sụt giảm lượng khách Nga đến Việt Nam từ quý 4/2014 cũng như quý 1/2015.
Một nguyên nhân nữa là thủ tục visa phức tạp và lệ phí cao được xem là một rào cản khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Qua đó, Grant Thornton đề xuất giải pháp giảm hoặc bỏ phí visa vào Việt Nam đối với khách du lịch từ các quốc gia cùng tham giá đàm phán trong các Hiệp định thương mại từ do, chẳng hạn như TPP.
Ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam cho biết: "Việt Nam đã có Hiệp định thương mại tự do với các nước khác thì nên bỏ quy định cấp visa có thời hạn với những nước này. Mặc dù phí cấp visa là nguồn kinh phí đóng góp cho kinh phí hoạt động nhưng cân nhắc kỹ việc thu phí visa và lợi ích đạt được từ chi tiêu nhiều hơn khi du khách vào Việt Nam".
Ngoài ra, ông Kenneth Atkinson cũng cho biết việc quảng bá ngành du lịch Việt Nam chưa thực sự hiệu quả. Muốn thực hiện được việc này, Việt Nam cần quảng cáo kỹ thuật số, tức là tổ chức triển lãm, hội chợ ngành để quảng bá.
“Xem xét việc thu phí du lịch trên mỗi khách du lịch để làm chi phí cho quảng bá ngành du lịch cũng là một giải pháp”, ông Kenneth Atkinson nói thêm.
Trong năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hoạt động, nhằm mang lại một sự hợp tác toàn diện hơn giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Grant Thornton cho biết, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề Du lịch (MRA - TP) sẽ tạo thuận lợi cho việc hợp tác để nâng cao năng lực du lịch, kỹ năng của ngành du lịch để qua đó nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch.
Công suất thuê phòng của phân khúc khách sạn sang giảm trong năm 2014
Theo khảo sát của Grant Thornton về ngành dịch vụ khách sạn, mặc dù trong năm 2014, toàn quốc đã đạt được gần 7.9 triệu lượt khách quốc tế (không đạt chỉ tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế), tăng 4% so với năm 2013. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ khách quốc tế lưu trú tại các khách sạn 4 – 5 sao đạt tới 83%, cao hơn 3.4% so với năm 2013.
Năm 2014 nhìn chung cho thấy giá phòng của các khách sạn 5 sao giảm 6.4% trong khi các khách sạn 4 sao lại tăng 3.6%. Một phần nguyên nhân do phân khúc 5 sao chịu sự cạnh tranh khốc liệt hơn khi có nhiều khách sạch đưa vào sử dụng.
Khi phân tích công suất thuê phòng bình quân hàng năm theo vùng miền, công suất thuê phòng nhìn chung tăng 2.3% tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trong khi đó cả hai miền Bắc và Nam có công suất thuê phòng bình quân thấp hơn so với năm trước với mức giảm là 1.7% và 6.6% tương ứng.
Về khía cạnh doanh thu và chi phí, hiệu suất của phân khúc khách sạn sang trọng trong năm 2014 là kém hơn với chỉ số EBITDA trung bình là 34%, giảm 5.5% so với năm 2013. Việc chỉ số EBITDA bị giảm trong năm 2014 là do những thay đổi trong cơ cấu chi phí, cụ thể là do các chi phí quản lý tăng 2.7% và chi phí hoạt động khác tăng 1.9%.
Cũng theo Grant Thornton, về mục đích lưu trú, khách du lịch cá nhân và khách du lịch theo đoàn tiếp tục là các nhóm khách lớn nhất trong năm 2014 với tỷ lệ tương ứng là 35% và 26%. Tỷ lệ khách thương nhân tăng đáng kể với 28%, đạt tỷ lệ 19% trên tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2013. Tỷ lệ khách dự hội nghị giảm 3.3% so với năm 2013, cho dù Việt Nam được xem là một điểm đến du lịch MICE (họp, ưu đãi, hội nghị, và triển lãm) ở châu Á.
Sanh Tín
|