Thứ Hai, 27/07/2015 11:07

Việt kiều và người nước ngoài háo hức mua nhà ở TP.HCM

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đã tạo tâm lý háo hức đối với người mua, giới đầu tư trong và ngoài nước.

Địa ốc bước vào cuộc đua săn khách ngoại

CBRE dự đoán thị trường bất động sản Việt Nam sẽ có bước ngoặt mới

Việt kiều mua nhà: Vẫn chờ hướng dẫn

Mặc dù hiện nay, các cơ quan ban ngành đang xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn, nhưng trên thực tế, thị trường bất động sản cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang có bước chuyển mình, nhất là tạo sức hút mạnh mẽ đối với Việt kiều và người nước ngoài.

Dự án căn hộ cao cấp The Sun Avenue, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Từ tâm lý xem xét…

Đánh giá về cơ hội người nước ngoài tham gia thị trường bất động sản Việt Nam sau khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực, đại diện Công ty CBRE Việt Nam cho rằng tác động của hai điều luật này sẽ đưa bất động sản Việt Nam lên một "bước ngoặt" mới trong việc tiếp cận nguồn đầu tư nước ngoài.

Không chỉ nới lỏng chính sách để hỗ trợ thị trường bất động sản, Nhà nước cũng đồng ý xóa bỏ giới hạn sở hữu của doanh nghiệp nước ngoài đối với các công ty niêm yết, ngoài trừ lĩnh vực ngân hàng và các trường hợp ngoại lệ khác.

Tuy nhiên, tác động của các thay đổi nêu trên lên thị trường bất động sản sẽ không phải tức thì. Nhà đầu tư nước ngoài luôn theo dõi thị trường một cách cẩn thận, tiến hành giao dịch khi thị trường thực sự hồi phục. Động thái “chờ và xem” sẽ phổ biến trước khi có một quyết định mua bán cụ thể.

Trao đổi với phóng viên, ông Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Công ty Savills Việt Nam nói: "Việt Nam đang dần trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tổng lợi nhuận khá cao nếu so sánh với các nước trong khu vực và sẽ còn tiếp tục được cải thiện nhờ vào sự phục hồi của thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, Việt Nam còn được hưởng lợi từ sự quan tâm ngày càng tăng của quốc tế khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành lập, Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực được ký kết, kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế và đem đến những cơ hội tuyệt vời cho thị trường bất động sản."

Thêm vào đó, theo ông Griffiths thị trường bất động sản cũng được hỗ trợ bởi các cải cách luật pháp nhanh chóng như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Nhà ở, Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh Bất động sản.

Ông Griffiths cũng nhấn mạnh: "Những yếu tố này sẽ đảm bảo một môi trường đầu tư tốt hơn tại Việt Nam. Tuy nhiên hiện tại, chưa thể kỳ vọng một số lượng đông đảo người nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam ngay lập tức mà vẫn còn phải đợi các thông tư hướng dẫn cụ thể trong thời gian sắp tới."

Tại một hội thảo về lĩnh vực bất động sản mới đây diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Yoshida - Trưởng đại diện Văn phòng Kitakei tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ông rất quan tâm và vui mừng khi biết đến chính sách cho phép người nước ngoài sở hữu nhà. Hiện tại ông đang tìm hiểu thủ tục, chưa có ý định mua nhà nhưng trong vài năm tới ông sẽ xem xét mua và định cư luôn ở Việt Nam.

Ông Yoshida cũng bày tỏ mong muốn chính sách nhà ở cho phép người nước ngoài được tăng tỷ lệ sở hữu căn hộ.

... đến mua căn hộ

Theo các chuyên gia, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi đã tác động tích cực đến nguồn cầu của thị trường bất động sản Việt Nam. Trên thực tế đã có nhiều người nước ngoài mua nhà tại các khu vực trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng nhờ vào cơ sở hạ tầng, giao thông thuận tiện, thị trường có tính thanh khoản tốt, giá trị đầu tư cao.

Theo CBRE Việt Nam, trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn thường phàn nàn về sự không công bằng trong thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đã lấy lại niềm tin đối với họ. Minh chứng là trong thời gian gần đây tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có 112 căn hộ được bán cho người nước ngoài.

Khảo sát thị trường cho thấy, vào ngày 1/7 vừa qua, ngay khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực, dự án City Garden ở quận Bình Thạnh đã bán căn hộ đầu tiên cho vợ chồng ông bà Haig và Katrin Connolly.

Theo vợ chồng ông bà Haig và Katrin Connolly, họ sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1992, nay được biết chính sách Việt Nam cho phép người nước ngoài sở hữu căn hộ nên đã quyết định tìm mua để ở nhằm ổn định công việc, sinh hoạt gia đình cũng như gắn bó lâu dài hơn với Việt Nam.

Sau khi ra mắt, dự án The GoldView đã thu hút hơn 500 khách hàng liên hệ đặt chỗ; trong đó có gần 30 người nước ngoài. Còn tại đợt mở bán, dự án Vinhomes Central Park của Tập đoàn Vingroup cũng đã nhanh chóng thu hút hơn 400 khách nước ngoài, Việt kiều từ Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… tìm hiểu và đặt chỗ chờ mua.

Ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam cho biết trên thực tế, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản đã mở rộng cửa cho những nhà kinh doanh nước ngoài có quyền sở hữu đầy đủ với các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, nơi có chi phí vốn thấp hơn và chi phí nhân công rẻ hơn so với các nước trong khu vực. Điều đó sẽ đẩy mạnh hoạt động giao dịch của các nhà máy, kho vận, cơ sở hậu cần và khu công nghiệp.

Những công ty quốc tế đang muốn tận dụng mức độ đô thị hóa nhanh và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng tại Việt Nam để có thể thu mua toàn bộ các tài sản thương mại và phức hợp ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội nhằm thiết lập cơ sở kinh doanh trong nước và khu vực; đồng thời tiến hành các hoạt động thương mại, bán lẻ. Hiện tại, người nước ngoài có tâm lý lạc quan vào thị trường bất động sản thương mại.

Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc mới đây đã mua lại cổ phần kiểm soát của khu phức hợp bậc nhất Diamond Plaza tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, Keangnam Landmark ở Hà Nội, tòa tháp 72 tầng cao nhất Việt Nam được định giá 770 triệu USD đang được Ngân hàng Goldman Sachs và Quỹ đầu tư Qatar Investment Authority tính toán mua lại.

Hơn nữa, các công ty niêm yết có vốn sở hữu 100% của nước ngoài không thuộc lĩnh vực nhạy cảm sẽ được phép hoạt động từ ngày 1/9 tới. Điều này sẽ giúp đẩy mạnh hoạt động thu mua bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu chiến lược kinh doanh.

Vốn đầu tư từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) hiện là nguồn vốn tích cực nhất trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh. Các điểm mới trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản sẽ khiến tâm lý đầu tư tăng lên.

Dưới góc độ chủ đầu tư, ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Him Lam Land cho biết ngay sau ngày 1/7 vừa qua, đã có nhiều người nước ngoài đến tìm hiểu và đặt cọc tại dự án Him Lam Chợ Lớn (quận 6 - nơi có nhiều cộng đồng người Hoa sinh sống).

Để khuyến khích người nước ngoài tham gia thị trường bất động sản trong nước, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng có giải pháp phù hợp trong việc xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài.

HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thống nhất hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài chuyển tiền vào Việt Nam để mua nhà; đồng thời đề nghị Bộ Công an, Bộ Ngoại giao thống nhất cấp visa cho người nước ngoài vào Việt Nam với thời hạn dài, có thể khoảng từ 1-3 năm, được xuất nhập cảnh nhiều lần.

Trần Xuân Tình

vietnam+

Các tin tức khác

>   Bảo lãnh nhà ở dự án: Khác biệt giữa luật và thông tư (27/07/2015)

>   Lỗ của Eximbank liên quan đến Eximland? (27/07/2015)

>   Vingroup khai trương TTTM Vincom đầu tiên ở ĐBSCL (27/07/2015)

>   Chủ đầu tư dự án Dewan xin gia hạn (27/07/2015)

>   Hồ sơ mua nhà được vay gói 30.000 tỉ đồng (26/07/2015)

>   Chung cư ồ ạt ra hàng, dân mua lại sốt ruột? (26/07/2015)

>   Nhật Bản đầu tư 200 triệu USD vào bất động sản TP. Hồ Chí Minh (26/07/2015)

>   7 lý do khiến nhà giàu Việt đổ tiền vào biệt thự biển (25/07/2015)

>   Hà Nội lo ế nhà xã hội (24/07/2015)

>   TP.HCM: gần 2/3 chung cư xây dựng sai phép (24/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật