Quy định làm thêm giờ của Việt Nam đang "lệch pha" thế giới?
Theo phản ánh của nhiều DN, quy định người lao động chỉ được phép làm thêm khoảng 200-300 giờ/ năm đang gây khó cho họ trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhất là đối với những doanh nghiệp sản xuất theo thời vụ, theo những đơn hàng xuất khẩu lớn.
Nhiều DN cho rằng quy định thời gian làm thêm giờ đang gây khó cho cả DN và người lao động.
Ảnh internet
|
"Tự trói mình"?
Ngày 3-7-2015, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đối thoại với DN về chính sách lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội. Tại cuộc đối thoại, nhiều DN lên tiếng cho rằng quy định thời gian làm thêm giờ đang gây khó cho cả DN và người lao động.
Hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong ngày, không quá 30 giờ trong tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm; trừ một số trường hợp đặc biệt cho Chính phủ quy định được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.
Tuy nhiên theo ông Chu Văn An- Phó Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Minh Phú, nếu cứ "máy móc" áp quy định người lao động không được làm thêm quá 200 giờ/năm sẽ gây rất nhiều khó khăn cho DN.
Thực tế tại Công ty Thủy sản Minh Phú vào những dịp cao điểm mùa vụ, sản lượng tôm chế biến được chuyển đến nhà máy quá nhiều, DN phải tăng ca, nhưng nếu như vậy sẽ vi phạm quy định về giờ làm thêm.
"Đó còn chưa kể, hiện theo quy định của Luật, DN phải chi trả ít nhất 150% cho làm thêm giờ bình thường, 215% cho làm thêm giờ vào ban đêm; 300% làm thêm giờ cho những ngày Lễ và 200% làm thêm ngày Chủ nhật, do vậy nhiều DN cũng lại càng "khó" bởi chi phí lao động sẽ tăng cao, sản phẩm mất tính cạnh tranh.
Ông Nguyễn Xuân Dương- Tổng Giám đốc Công ty may Hưng Yên cho rằng: Cùng với nhiều nước khác, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, song những quy định của nước ta đôi khi lại "lệch pha" so với một số nước trong khu vực và thế giới.
Dẫn chứng từ ông Dương cho biết: hiện Trung Quốc quy định thời gian làm thêm giờ tối thiểu là 600 giờ/năm, Nhật Bản quy định thời gian làm thêm giờ là 720 giờ/năm. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của các nước đó ở mức 40.000 USD/năm. Còn ở Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người mới ở mức 1.000 USD/năm nhưng chúng ta lại quy định thời gian làm thêm giờ quá thấp.
Bà Phan Thị Thu Hương- Trưởng phòng nhân sự- Công ty Điện tử Samsung cũng đồng quan điểm khi cho rằng, khó khăn nhất của DN hiện nay là quy định làm thêm giờ của cơ quan quản lý.
Sở dĩ như vậy vì theo bà Hương, Samsung là DN sản xuất lớn với hơn 100.000 lao động. Tuy nhiên trong sản xuất, có những mặt hàng mang tính chất "thời vụ", cần gấp rút hoàn thành đơn hàng để giao cho đối tác nhưng quy định thời gian làm thêm giờ của Việt Nam quy định chỉ dừng ở mức 300 giờ là quá thấp khiến DN không xoay xở kịp.
"Nếu không có sự thay đổi quy định làm thêm giờ nêu trên, sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của DN, bên cạnh đó, phía DN Hàn Quốc nhận thấy những rào cản ngặt nghèo trong quy định làm thêm giờ sẽ chuyển hướng đầu tư sang thị trường khác. Và như vậy sẽ đẩy hơn 100.000 lao động Việt Nam vào cảnh không có công ăn việc làm ", bà Hương lo lắng.
Tăng thời gian làm thêm giờ
Chính vì vậy, các doanh nghiệp đều có chung kiến nghị, quy định làm thêm giờ nên có sự "nới lỏng". Cụ thể theo ông Chu Văn An đề xuất: số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày, không quá 50 giờ/tháng và tổng số không quá 500 giờ/năm.
Lý giải về đề xuất này, ông An nói: Hiện người lao động làm việc bình quân 10 giờ/ngày không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như năng suất lao động. Bên cạnh đó, do đặc thù phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thủy hải sản trong nước theo tính chất mùa vụ nên người lao động cũng sẽ không phải làm thêm giờ liên tục trong một thời gian dài.
"Thực tế lãnh đạo các DN cũng sẽ cân đối để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động để DN phát triển bền vững. Đó còn chưa kể, người lao động cũng cần làm thêm giờ để trang trải cuộc sống. Do vậy tôi cho rằng các cơ quan quản lý nên tăng thời gian làm thêm giờ để "cứu" DN và người lao động", ông An nói.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Bùi Đức Hiếu- Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng: không nên quy định cụ thể chi tiết thời gian làm thêm giờ với người lao động, điều này nên để cho chủ DN và người lao động phải thỏa thuận trên tinh thần hai bên cùng có nhu cầu.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cũng đồng tình khi cho rằng người lao động chỉ được phép làm thêm tối đa 300 giờ/năm là chưa hợp lý.
"Hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đang nghiên cứu nhằm có quy định phù hợp về thời gian làm thêm giờ theo hướng thỏa thuận giữa DN và người lao động một cách linh hoạt, không quá máy móc", Thứ trưởng Huân nói.
D. Ngân
Hải quan
|