Thứ Sáu, 03/07/2015 11:19

Chuyện nhà trẻ và "báo cáo Thủ tướng"

Cái tít Yêu cầu báo cáo Thủ tướng vụ nhà Hạnh Phúc trên báo Tuổi Trẻ ngày 1-7 làm nhiều người bất ngờ.

Bữa trưa của các em nhỏ ở Nhà Hạnh Phúc. Ảnh: chinhphu.vn

Một chuyện nhỏ xíu liên quan đến việc xử lý một ngôi nhà trẻ tình thương (cũng nhỏ xíu) ở một huyện ngoại thành cuối cùng cũng lại phải “báo cáo Thủ tướng” theo yêu cầu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội! Một vụ việc đơn giản mà đáng lẽ cấp xã, hay cùng lắm là cấp huyện đã có thể giải quyết được, nhưng đến cấp bộ cũng nhảy vào, và cuối cùng vẫn phải báo cáo lên tận Thủ tướng (!?).

Nhiều người lo lắng cho số phận của mấy chục đứa trẻ rồi sẽ ra sao nếu mái ấm của chúng là ngôi nhà trẻ tình thương mang tên Hạnh Phúc bị giải tán vì thiếu điều kiện tối thiểu để hoạt động. Tôi lại thấy lo lắng nhiều hơn ở một khía cạnh khác.

Vì sao những vụ việc tưởng như rất nhỏ và thuộc chức trách của địa phương hoặc các cơ quan cấp thấp thời gian gần đây lại cứ phải “báo cáo” hoặc “xin ý kiến” của Thủ tướng? Liệu người đứng đầu Chính phủ có đủ thời gian (và tâm trí) để nghiên cứu và xử lý những vấn đề vặt vãnh đến vậy trong khi đất nước còn biết bao chuyện đại sự đang chờ?

Xu hướng sợ trách nhiệm và tìm cách “đùn đẩy” qua lại giữa các cơ quan công quyền từ lâu đã không còn là chuyện lạ. Nhiều vụ việc lẽ ra thuộc trách nhiệm của cơ quan này, nhưng cứ phải kéo thêm cơ quan khác, thậm chí cấp trên vào cùng tham gia xử lý (và cùng chịu trách nhiệm) thì mới an tâm.

Tuy vậy, chuyện phối hợp giữa các cơ quan ngang cấp, hoặc có lúc phải xin ý kiến chỉ đạo từ cấp trên trực tiếp là điều còn có thể thông cảm được khi luật lệ của chúng ta nhiều chỗ còn khá mơ hồ. Nhưng xu hướng ngày càng “đẩy cao” và “đẩy xa” lên đến tận cấp Văn phòng Chính phủ hoặc Thủ tướng như hiện nay là điều hết sức lo ngại. Nó không chỉ cho thấy sự yếu kém, lúng túng của các cơ quan, ban ngành chức năng ở địa phương; mà còn cho thấy xu hướng “thích quyền lực, sợ trách nhiệm” đã trở thành căn bệnh trầm kha của nhiều cán bộ, công chức. Nó cũng cho thấy hệ thống luật pháp của chúng ta có vấn đề, hiểu sao cũng được, và người thực thi có thể phải chịu rủi ro do các cách diễn giải khác nhau.

Chừng nào các cơ quan công quyền còn “báo cáo Thủ tướng” những chuyện vặt vãnh thế này, thì người dân sẽ còn lo lắng. Một mặt, họ lo Văn phòng Chính phủ không còn thời gian cho những chuyện đại sự; mặt khác, họ lo đội ngũ công chức địa phương sẽ tiếp tục “trau dồi” món “võ đẩy” mà không chịu trách nhiệm gì cả. Nên chăng, bớt giùm “báo cáo Thủ tướng” cho dân nhờ!

Long Nguyễn

tbktsg

Các tin tức khác

>   Thủ tướng thị sát buồng lái máy bay A350 đầu tiên của Việt Nam (03/07/2015)

>   Cựu TT Bill Clinton: “Chúng ta đã giải phóng chính mình” (03/07/2015)

>   Làm ra 1 triệu m3 nước, thất thoát 300.000 m3 (02/07/2015)

>   Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh trị bệnh tại Pháp (02/07/2015)

>   Cá cược bóng đá: “Phải tiếp tục xin ý kiến” (01/07/2015)

>   Vinamilk kiến nghị sửa quy chế người đại diện vốn nhà nước (30/06/2015)

>   Cao tốc Đà Nẵng–Quảng Ngãi giảm 2.500 tỉ đồng vốn đầu tư (30/06/2015)

>   TPHCM: Ngày 1/7 thu phí đường bộ đối với xe máy (27/06/2015)

>   11 tỷ đồng 'lót tay' quan chức đường sắt được giao ở đâu? (27/06/2015)

>   Doanh nghiệp "phát điên" với văn bản luật (27/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật