Doanh nghiệp "phát điên" với văn bản luật
Hàng loạt những vướng mắc trong các thủ tục thuế, hải quan được các doanh nghiệp (DN) đưa ra trong buổi đối thoại giữa DN với lãnh đạo Cục Thuế và Hải quan.
Doanh nghiệp trình bày bức xúc tại buổi đối thoại xung quanh các vướng mắc của thủ tục thuế và hải quan - Ảnh: L.Sơn
|
Hàng loạt những vướng mắc trong các thủ tục thuế, hải quan được các doanh nghiệp (DN) đưa ra trong buổi đối thoại giữa DN với lãnh đạo Cục Thuế và Hải quan sáng 26-6 tại TP.HCM do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức.
Phát biểu tại buổi đối thoại, đại diện Công ty CP kỹ nghệ lạnh Hoa Sáng (huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho biết Bộ Tài chính cho ra đời quá nhiều thông tư, “tuổi thọ” mỗi thông tư lại ngắn, DN chưa kịp “thấm” lại có thông tư khác thay thế. Doanh nghiệp rối với văn bản luật.
Do đó, đại diện công ty cho rằng Bộ Tài chính nên thống nhất, tập hợp lại các vấn đề phát sinh trong một, hai thông tư để DN có thể cập nhật kịp cũng như hiểu đúng chính sách nhà nước. Ông Nguyễn Văn Xuân, chuyên viên xuất nhập khẩu Công ty CP dệt may Thành Công, cho biết chưa được hưởng lợi từ những quy định cắt giảm thủ tục hải quan trong thông tư 38 áp dụng từ ngày 1-4-2015.
Cụ thể, việc khai báo định mức, thanh khoản quyết toán vẫn được thực hiện như cũ thay vì bãi bỏ theo luật mới do khâu tương thích dữ liệu giữa hải quan và DN chưa đồng bộ.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho biết sẽ kiểm tra lại để giải quyết khúc mắc này cho DN.
Với “tuổi thọ” của các thông tư, đại diện ngành thuế cũng thừa nhận bản thân ngành thuế nhiều lần phản ánh với Bộ Tài chính về việc “tuổi thọ” các thông tư quá ngắn, chưa thông tư nào tồn tại quá hai năm.
Cũng tại buổi đối thoại, nhiều DN cho rằng một số chính sách ban hành nhằm hỗ trợ, ưu đãi thuế cho DN, nhưng để được hưởng lợi không phải đơn giản vì các quy định “nửa vời”, khó xác định.
Đại diện Công ty Hải Đăng, chuyên nhập khẩu các thiết bị điện tử, cho biết nhiều chính sách ưu đãi thuế dành cho chương trình đánh bắt cá xa bờ, trong đó có các thiết bị hỗ trợ mà DN đang nhập từ Nhật Bản.
Tuy nhiên, DN không thể tìm được văn bản liên quan nên đành chấp nhận đóng thuế 10% theo quy định khi nhập khẩu hàng hóa. Khi xuất cho khách hàng, khách không đồng ý vì cho rằng mặt hàng này nằm trong nhóm được miễn thuế.
“Chúng tôi tìm tất cả văn bản liên quan đều không tìm được. Danh mục thiết bị đánh bắt cá xa bờ nằm ở đâu? Làm sao để xác định được nhóm hàng không chịu thuế?” - vị này đặt câu hỏi.
Trả lời DN, ông Nguyễn Quốc Toản, phó phòng thuế xuất nhập khẩu Cục Hải quan TP.HCM, cho biết theo nghị định 67, các thiết bị chuyên dùng phục vụ khai thác, bảo quản sản phẩm cho tàu cá có công suất máy chính từ 90 CV trở lên làm nghề khai thác hải sản sẽ được miễn thuế, đồng thời khẳng định “sẽ hoàn thuế cho DN”.
Lê Sơn - Như Bình
tuổi trẻ
|