Thứ Tư, 01/07/2015 21:28

Nhiều dự án FDI lớn của ngành dệt may được cấp phép

Các dự án có quy mô vốn FDI lớn nhất được cấp phép trong 6 tháng đầu năm đa phần rơi vào lĩnh vực dệt may.

* Cơ hội và thách thức lớn dành cho ngành dệt may

* Dệt may sẽ thoát khỏi “chiếc áo” gia công sau TPP?

Trong nửa năm đầu 2015, các dự án FDI đầu tư vào dệt may có vốn cam kết lớn nhất. Trong ảnh là máy móc thiết bị dệt may trong một hội chợ chuyên ngành mới đây tại TPHCM

Đáng chú ý là những dự án dệt may này lại rơi vào những địa phương vốn có thế mạnh thu hút nguồn vốn FDI trong nhiều năm qua, vốn từng lên tiếng hạn chế thu hút những dự án đầu tư thuộc lĩnh vực này vì thâm dụng lao động phổ thông, diện tích đất sử dụng lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm nếu có công đoạn nhuộm...

Mới đây vào ngày 29-6, tỉnh Bình Dương đã tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Polytex Far Eastern thuộc Tập đoàn Far Eastern (Đài Loan) đầu tư dự án thuộc lĩnh vực dệt may có vốn đầu tư lên đến 274 triệu đô la Mỹ.

Đây là dự án FDI có vốn đầu tư lớn nhất vào Bình Dương được cấp phép kể từ đầu năm đến nay; và là dự án thứ ba của Tập đoàn Far Eastern đầu tư vào Việt Nam sau Trung Quốc, Đài Loan để sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành công nghiệp dệt may.

Dự án dự kiến được triển khai trên khu đất rộng 99 héc ta tại khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, có công suất sản xuất thiết kế gồm 43.200 tấn/năm sợi tổng hợp polyster; 127 triệu m2/năm vải dệt kim, nhuộm; 96 triệu m2/năm sản phẩm kéo sợi cotton.

Đại diện nhà đầu tư cho biết việc triển khai đầu tư nhà máy tại Việt Nam là nhằm để đón đầu Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo kế hoạch, nhà đầu tư dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy giai đoạn 2 với quy mô đầu tư từ 700 triệu đến 1 tỉ đô la Mỹ.

Như vậy, đây là dự án FDI dệt may thứ 4 có quy mô vốn lớn được cấp phép trong nửa đầu năm 2015 này. Theo báo cáo thống kê giữa năm 2015 của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến ngày 20-6 ba dự án FDI có vốn đăng ký lớn nhất được cấp phép cũng rơi vào lĩnh vực dệt may. Và hai trong ba dự án này lại đầu tư vào TPHCM và tỉnh Đồng Nai.

Tại tỉnh Đồng Nai theo Cục Đầu tư nước ngoài địa phương này đã cấp phép dự án đầu tư FDI lớn nhất trong 6 tháng qua với dự án 660 triệu đô la Mỹ do Công ty Hyosung Istanbul Tekstil Ltd. của Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư sản xuất và gia công các loại sợi công nghiệp trong khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù Hyosung Đồng Nai đăng ký quốc gia đầu tư là Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng thực chất dự án có nguồn vốn từ Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc). Hyosung cũng là nhà đầu tư lớn ở Đồng Nai trong nhiều năm qua với tên gọi Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 995 triệu đô la Mỹ, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dệt may...

Theo giới phân tích, trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang vào những vòng đàm phán cuối thì việc tập đoàn Hyosung hay Far Eastern quyết định đầu tư lớn vào ngành dệt may ở Việt Nam để tận dụng lợi thế ưu đãi xuất khẩu vào các nước là điều dễ hiểu.

Nhờ có dự án này được cấp phép mà nguồn vốn FDI chung thu được của Đồng Nai chỉ trong nửa đầu năm nay đứng thứ 2 cả nước với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,03 tỉ đô la Mỹ, chiếm 18,8%, vượt mục tiêu đặt ra cho cả năm nay của địa phương này.

Tương tự, theo cơ quan xúc tiến đầu tư nói trên, trong 6 tháng qua, TPHCM là địa phương thu hút được dự án FDI lớn thứ hai với vốn đăng ký 300 triệu đô la Mỹ nhưng cũng thuộc lĩnh vực dệt may. Công ty TNHH Worldon Việt Nam (Hồng Kông) phát triển dự án này tại khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi với diện tích đất cần sử dụng cũng hơn 50 héc ta.

Chính những dự án thuộc lĩnh vực dệt may lớn này được cấp chứng nhận đầu tư đã nâng tổng vốn cam kết trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo lên cao nhất trong 6 tháng qua đạt  4,18 tỉ đô la Mỹ, chiếm 76,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may của các nước và vùng lãnh thổ đã và đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Khi TPP được ký kết, Việt Nam có lợi thế ở góc độ xuất khẩu hàng ra thế giới, nhưng quy định xuất xứ "từ sợi" (yarn forward) của TPP buộc doanh nghiệp dệt may xuất khẩu của Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên TPP khác, không có Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc.

Đi đôi với dệt theo các doanh nghiệp trong ngành thì thường có nhuộm. Mà khâu nhuộm thì rất ảnh hưởng đến môi trường mà không phải doanh nghiệp nào cũng có tiền đầu tư công nghệ hiện đại để xử lý tốt.

Tuy nhiên các địa phương này cho rằng phần lớn các dự án dệt may này được lựa chọn kỹ đó là những dự án dệt may cao cấp, đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại hoặc phục vụ cho ngành công nghiệp phụ trợ dệt may và sử dụng lao động ở mức vừa phải chứ không phải những dự án dệt may gia công như những năm trước.

Ba dự án FDI có vốn cam kết lớn nhất được cấp phép từ đầu năm đến ngày 20-6-2015 là:

- Dự án Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai tổng vốn đầu tư 660 triệu đô la Mỹ do nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư tại Khu công nghiệp Đồng Nai với mục tiêu sản xuất và gia công các loại sợi.

- Dự án Công ty TNHH Worldon (Việt Nam) tổng vốn đầu tư 300 triệu đô la Mỹ do nhà đầu tư British Virgin Islands đầu tư tại TPHCM với mục tiêu sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp.

- Dự án nhà máy sợi, vải màu Lu Thai (Việt Nam) tổng vốn đầu tư 160,8 triệu đô la Mỹ do nhà đầu tư Hồng Kông tại tỉnh Tây Ninh với mục tiêu sản xuất sợi, sản xuất vải màu.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,49 tỉ đô la Mỹ, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2014.

(Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài)


Quốc Hùng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Cơ hội và thách thức lớn dành cho ngành dệt may (01/07/2015)

>   TPHCM: Thị trường bán lẻ ngày càng sôi động (01/07/2015)

>   Tìm vốn xây cầu Mỹ Thuận 2 (01/07/2015)

>   PVN: Tổng doanh thu hợp nhất giảm do tác động của giá dầu thô (01/07/2015)

>   Gà Việt khủng hoảng với đùi gà Mỹ rẻ như rau (01/07/2015)

>   Thêm khu công nghiệp VSIP tại Nghệ An (01/07/2015)

>   DN còn thiếu quan tâm đến xây dựng thương hiệu (30/06/2015)

>   Du lịch 6 tháng: Buồn nhiều hơn vui (30/06/2015)

>   Ngành chăn nuôi trước TPP: Việt Nam đương đầu những đối thủ ‘sừng sỏ’ (30/06/2015)

>   Nhiều dự án lọc dầu… đủng đỉnh (30/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật