TPHCM: Thị trường bán lẻ ngày càng sôi động
Thời gian gần đây, thị trường bán lẻ tại TPHCM ngày càng trở nên sôi động với nhiều dự án đầu tư từ các Tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước ngoài, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của các thương hiệu lớn trong nước.
Theo kết quả nghiên cứu thị trường của Công ty TNHH CBRE Việt Nam, với niềm tin quay trở lại, ngày càng nhiều nhà bán lẻ nước ngoài có kế hoạch gia nhập thị trường TPHCM, đa dạng ở nhiều phân khúc, như: Carolina Herrera, Stuart Weitzman, Dorothy Perkins, MaxMara, LOST, Hamleys and Paul.
Thị trường bán lẻ TPHCM đã có sự phục hồi rõ nét với nhiều sự kiện sôi động trong quý II/2015. Đầu tiên phải kể đến là SC VivoCity, Trung tâm Thương mại (TTTM) đầu tiên của Công ty TNHH Đầu tư Mapletree từ Singapore, hợp tác với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM, Saigon Co.op, đã khai trương vào tháng 5/2015 với 72.000 m2 diện tích sàn.
Tọa lạc tại con đường mua sắm đắc địa Nguyễn Huệ, khối đế thương mại Times Square cũng đã mở cửa trong tháng 6 với 4.000 m2 diện tích sàn, cung cấp các thương hiệu nội thất hạng sang như Cassina, Giorgetti, B&B Italia được phân phối bởi Eurasia.
Tập đoàn Vingroup tiếp tục mở rộng mảng bán lẻ của mình với chuỗi cửa hàng chuyên biệt được đầu tư và vận hành bởi Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinDS, mang tên Beautyzone, Sportsworld, Shoecenter và Fashion Megastore. Khởi đầu với chuỗi cửa hàng khai trương vào tháng 7 tại Vincom Cần Thơ, công ty dự kiến mở 74 cửa hàng trong một năm tới, trong đó TPHCM là một trong những địa điểm lý tưởng trong chiến dịch mở rộng mảng bán lẻ của Vingroup.
Với sự hình thành của tuyến Metro đầu tiên, thị trường bán lẻ, đặc biệt dọc trục đường Nguyễn Huệ, kỳ vọng sẽ thay đổi đáng kể trong những năm tới. Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TPHCM đã trình đề cương xây dựng khu thương mại ngầm 6.300 tỷ đồng dưới nhà ga trung tâm Bến Thành, nối liền với phố đi bộ Nguyễn Huệ, lên UBND Thành phố chờ phê duyệt.
Với 45.000 m2 diện tích sàn, nối với tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), số 2 (Bến Thành-Tham Lương), số 3A (Bến Thành-bến xe Miền Tây) và số 4 (Thạnh Xuân-Nguyễn Văn Linh), dự án là loại hình bán lẻ mới, đột phá chưa từng có ở Việt Nam và được cả người tiêu dùng cũng như nhà bán lẻ mong đợi.
Tính đến nay đã có Công ty Toshin Development (Nhật Bản) đề xuất tham gia hợp tác với 33% tổng chi phí cho dự án. Cùng với Saigon Centre, Tax Plaza, The One, Union Square, khi hoàn thành, người mua sắm tại TPHCM có thể tận hưởng một không gian mua sắm tập trung như phố Sukhumvit (Bangkok) hay con đường Orchard nổi tiếng (Singapore) tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại TPHCM hiện nay, xu hướng dịch chuyển ra khu vực ngoài trung tâm của các Trung tâm mua sắm ngày càng mạnh mẽ nhằm tiếp cận với thị trường phổ thông. Trong sáu tháng cuối năm, dự kiến sẽ có hơn 170.000 m2 diện tích sàn bán lẻ đi vào hoạt động, trong đó Vincom Megamall (120.000 m2, Q2) và Vincom Quang Trung (27.000 m2, Gò Vấp) là hai dự án lớn nhất.
Lê Anh
Chính phủ
|