Đồ chơi giáo dục bị lép vế
Các món đồ chơi ăn theo phim hoạt hình quốc tế đang xuất hiện nhan nhản trên các kệ nhà sách, tại cửa hàng đồ chơi...
Hai bà mẹ trẻ chọn mua đồ chơi giáo dục bằng gỗ của VN tại một trung tâm thương mại ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
|
Những món đồ chơi này đang hút khách hàng nhờ bắt kịp thị hiếu trẻ nhỏ lẫn phụ huynh. Cuộc cạnh tranh càng trở nên khó khăn hơn cho đồ chơi giáo dục thương hiệu Việt Nam khi có thêm “đối thủ” mới là chiếc máy tính bảng, điện thoại thông minh.
Phim sốt, đồ chơi “nóng” theo
Tranh thủ cuối giờ chiều đi siêu thị, chị Thanh Nga (đường Trường Chinh, Q.12, TP.HCM) dẫn con trai 4 tuổi Đức Minh “thả” vào khu vui chơi nằm trong siêu thị, vừa chơi trò chơi vừa thưởng cho cậu bé mấy món đồ cậu ưa thích. “Con muốn mẹ mua siêu nhân và bạn cừu (con cừu bằng gấu bông)” - Đức Minh đòi. Đây là những nhân vật mà cậu bé thường hay xem trên kênh truyền hình yêu thích.
Với khuôn viên rộng khoảng 40-50m2, có thể thấy hàng ngàn món đồ chơi phục vụ cho đủ nhóm tuổi xuất hiện tại đây. Từ đồ chơi dành cho bé gái như búp bê, thú bông màu sắc sặc sỡ đến các loại xe mô hình, xe tăng, ôtô, siêu nhân. Hấp dẫn và bán được nhiều nhất là các nhân vật hoạt hình theo phim phát trên truyền hình như Vòng quay vô cực, Thomas and Friend... Với mức giá khảo sát không hề rẻ, đồ chơi trẻ em đang tiêu tốn khá nhiều tiền của các vị phụ huynh.
“Không rẻ chút nào đâu em. Có khi một chiếc ôtô nhỏ bằng nắm tay nhưng giá lên tới 400.000 - 500.000 đồng là bình thường” - chị Nga cho biết. Mức giá trung bình cho mỗi món đồ chơi phổ biến 100.000-500.000 đồng/món. Tùy vào chất liệu hay nguồn gốc mà có mức giá khác nhau.
Tại cửa hàng của hệ thống AS trên đường Hai Bà Trưng, Q.3, nổi bật nhất vẫn là các loại đồ chơi theo phim như Zinba, Brinken..., các loại siêu nhân bằng nhựa mức giá trung bình 250.000-400.000 đồng được nhiều trẻ nhỏ lựa chọn.
Theo một nhân viên bán hàng tại đây, nhóm trẻ bán được nhiều hàng nhất là từ 4-7 tuổi. Đồ chơi theo phim hoạt hình được quảng cáo giúp bé hóa thân vào các nhân vật trong phim hoạt hình, thỏa óc sáng tạo cho bé nên bán rất chạy.
Chị Nguyễn Thùy Giang, trưởng phòng marketing một đơn vị phân phối đồ chơi trẻ em, cho biết hiện nay lứa tuổi trẻ em cấp I, II với các loại đồ chơi 200.000-300.000 đồng là dễ chấp nhận. Đối với nhóm trẻ mẫu giáo, đồ chơi dưới 200.000 đồng được phụ huynh lựa chọn nhiều hơn cả.
Trong khi đó, các em học sinh từ lớp 2 đến lớp 8 hay xem phim hoạt hình trên tivi nên các đồ chơi ăn theo phim hoạt hình dành cho các em nam mang tính chất chiến đấu, siêu anh hùng thì hiện bán rất chạy.
Khi các đơn vị VN mua bản quyền các bộ phim hoạt hình về phát sóng bao giờ cũng tung một lượng nhỏ sản phẩm ra bán trước. Sau khi xem phim, trẻ thường rất nhanh nhạy và sẽ hướng dẫn ba mẹ đến địa chỉ các shop chính hãng để mua hàng.
“Lý do là đồ chơi chính hãng có những ràng buộc như phải xem phim hoạt hình chiến đấu trên tivi, mua đồ chơi chính hãng sẽ có phiếu tham gia sân chơi miễn phí. Còn hàng nhái không có phiếu, không được tham gia sân chơi nên trẻ không mặn mà” - chị Thùy Giang cho hay.
Thiết bị thông minh thay thế đồ chơi nội?
Ông Lê Hồng Thắng, giám đốc Gỗ Đức Thành (GDT), cho biết doanh số sáu tháng đầu năm 2015 của thị trường đồ chơi bằng gỗ giảm sút nhẹ và đây là tình hình chung của thị trường đồ chơi giáo dục “made in VN” nói chung. Phân tích nguyên nhân, giám đốc kinh doanh một công ty sản xuất đồ chơi trong nước nói sự trở lại của hàng Trung Quốc giá trung bình đã cạnh tranh trực tiếp với đồ chơi trong nước.
Những mặt hàng xuất xứ Trung Quốc nhưng có thương hiệu được bày bán trong các cửa hàng, hệ thống phân phối với tem nhãn hợp quy đầy đủ, giá trung bình 200.000-400.000 đồng/món phù hợp với gia đình VN và cả mục đích biếu, tặng.
Các mặt hàng này tập trung vào chức năng giúp bé vừa học vừa chơi như bảng chữ cái, con số hay dụng cụ bác sĩ, thợ xây, đồ làm bếp... So với đồ chơi gỗ trong nước có cùng chức năng, giá các mặt hàng này tương đương hoặc rẻ hơn 20-25% tùy mặt hàng.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính là đồ chơi giáo dục vấp phải sự cạnh tranh của các thiết bị điện tử. Hầu hết gia đình nào bây giờ cũng có máy tính bảng hay điện thoại thông minh. “Các trò chơi ứng dụng trên các thiết bị này đa dạng lắm, hình ảnh sinh động, nhạc vui, dễ thuộc, trẻ vừa học chữ, vừa đọc đếm tiếng Anh, tiếng Việt đủ cả” - chị Thanh Tuyền, một phụ huynh có hai con nhỏ ngụ Q.Gò Vấp, cho biết. Do đó thay vì tìm một trò chơi gì đó, trẻ con đi học về liền ôm iPad, điện thoại của ba mẹ để chơi không biết mệt.
Từng hoạt động trong ngành kinh doanh đồ chơi trẻ em lâu năm, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu lại cho rằng nếu lấy lý do vì iPad hay điện thoại thông minh thì chưa đủ. Thời gian gần đây trên thị trường cũng có mặt hàng đồ chơi gỗ nhập khẩu từ Đức, giá cao gấp 2-3 lần so với hàng trong nước, thậm chí nhiều món hàng giá 3-5 triệu đồng vẫn bán vèo vèo.
“Phụ huynh bây giờ có xu hướng lựa chọn đồ chơi cho con rất kỹ, ví dụ như lứa tuổi mẫu giáo hay chọn đồ chơi gỗ. Họ cũng chú trọng vào các loại đồ chơi nổi tiếng hay được ưa chuộng theo xu thế dù khá mắc tiền” - vị giám đốc trên nói.
Khó cạnh tranh về giá
Ông Lê Hồng Thắng - giám đốc Công ty gỗ Đức Thành - cho biết với đồ chơi gỗ, sở dĩ giá thành vẫn còn tương đối cao do nguyên vật liệu đầu vào, các mẫu mã được thiết kế phải đảm bảo an toàn, không có cạnh góc nhọn.
“Nhiều người khi so sánh đồ chơi nội và ngoại thường đánh giá đắt hơn hay rẻ hơn mà quên mất những giá trị đem lại từ món đồ chơi đó. Hầu hết đồ chơi sản xuất trong nước đều làm bằng phương pháp gia công truyền thống như bộ bàn cờ, bộ xếp hình bằng gỗ... sử dụng lâu, bền, được chú ý bởi vừa kích thích tư duy của bé, vừa an toàn” - ông Thắng nói.
Đồ chơi trong nước mang tính giáo dục cao
Chị Nguyễn Thùy Giang cho biết các đơn vị phân phối, bán hàng thường tổ chức các trò chơi, trận đấu theo phim vào cuối tuần để thu hút trẻ cũng như để bán được hàng và quan trọng là loại bỏ hàng nhái, hàng ăn theo. Trong khi đó, đồ chơi trong nước vẫn đi theo tiêu chí “giáo dục cao”, ít có cải tiến mẫu mã, dẫn đến tính cạnh tranh không cao.
Chủ tiệm đồ chơi trên đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết đồ chơi trong nước quanh đi quẩn lại chỉ toàn học chữ, học số, bàn cờ vuông, cao cấp hơn chút thì có xe hơi (cũng chỉ đẩy), bé gái thì có bộ nhà bếp, bàn ghế... kiểu dáng đơn giản.
|
Dũng Tuấn - N.Bình
tuổi trẻ
|