Chủ Nhật, 12/07/2015 10:20

FTA Việt Nam - EAEU: DN đề phòng biện pháp phòng vệ

Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU) sẽ tạo bước ngoặt với Việt Nam. Các DN cần chuẩn bị sớm và cẩn thận khi FTA này có hiệu lực.

Các DN cần chủ động nắm bắt đầy đủ cam kết về lộ trình cắt giảm thuế. Ảnh: TRẦN VIỆT.

Dệt may lo ngại cơ chế phòng vệ ngưỡng

Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI), thị trường Nga và bốn nước khác trong liên minh rộng lớn EAEU (Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) có nền kinh tế bổ sung với Việt Nam nên lợi ích hai bên rất lớn. Các thị trường, đặc biệt là Nga còn tương đối “đóng” do hàng rào thuế quan cao. Nga mới vào WTO năm 2012, do đó thuế quan cao so với các FTA khác, điều này sẽ có lợi cho Việt Nam. “Ngoài ra, khối EAEU chưa có FTA nào, nên họ chưa dành quy chế thương mại tự do cho đối tác nào. Như vậy Việt Nam một mình một đường. Nếu chúng ta làm tốt thì lợi ích sẽ rất lớn”- bà Trang phân tích.

Ông Bùi Hồng Minh, Cục XNK (Bộ Công Thương) cho biết, với FTA Việt Nam - EAEU, hàng loạt mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng lợi. Ví dụ, với dệt may, có tới 82% tổng số dòng thuế cam kết cắt, giảm, trong đó 42% xoá bỏ hoàn toàn, có lộ trình tối đa trong 10 năm. Với mặt hàng giày dép, túi xách sẽ có 77% cắt, giảm thuế, trong đó 73% sẽ xoá bỏ hoàn toàn với lộ trình tối đa 5 năm. Ngoài ra, có tới 95% mặt hàng thủy sản sẽ được mở cửa hoàn toàn trong lộ trình tối đa 10 năm.

Theo bà Nguyễn Chi Mai, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, EAEU cam kết mở cửa ngay lập tức cho trên 80% dòng hàng hóa của Việt Nam, trong đó nhiều nhóm hàng là XK chủ lực của Việt Nam như: Thủy sản, dệt may, da giày, điện thoại, máy móc, các sản phẩm nông sản… Các nhóm hàng này cũng là những sản phẩm mà thị trường EAEU cần NK do EAEU không sản xuất các sản phẩm này hoặc có sản xuất nhưng đặc tính sản phẩm không cạnh tranh với nhau, do đó tính cạnh tranh trực tiếp là không có.

Tuy nhiên, dù được cho là ngành có lợi thế lớn khi Việt Nam tham gia FTA với Liên minh, song bà Đặng Phương Dung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam lại lo ngại cơ chế phòng vệ ngưỡng (trigger) đối với dệt may sẽ khiến ngành này khó tăng được kim ngạch XK. Cụ thể, mỗi nước thành viên khi tham gia Hiệp định đều đề ra một hạn mức NK cố định và khi sản lượng NK chạm ngưỡng quy định thì các nước sẽ tiến hành đánh giá mức tác động của mặt hàng đó đối với thị trường sở tại, sau đó mới ra quyết định xem sẽ áp mức thuế cao hơn hay giữ nguyên thuế suất 0% như ban đầu. Với ngành dệt may, Hiệp định đưa ra ngưỡng hạn chế là kim ngạch XK của Việt Nam không vượt quá 2 lần bình quân 3 năm gần đây. “Trong khi đó, XK của Việt Nam sang các nước thuộc Liên minh trong mấy năm qua rất thấp, nếu gấp 2 lần thì cũng chỉ dưới 1 tỷ USD. Vấn đề này phải sau 3 năm mới được xem xét lại, 5 năm tiếp theo xem xét 1 lần nữa. Đây là một trong những quan ngại của các DN dệt may bởi nếu không cẩn thận DN dệt may sẽ rơi vào vòng kiểm tra, kiểm soát của phía bạn”- bà Dung cho biết.

Ngoài ra, theo bà Dung, EAEU là khối từ trước nay Việt Nam chưa có FTA nào, do đó các DN Việt Nam khi XK vào thị trường này ngoài việc phải chịu hàng rào thuế quan cao thì có khả năng còn chịu thêm những quy định bất thành văn trong quá trình thực thi của các nước trong khối này. “Hiệp định này được ký kết với chủ trương rất thông thoáng nhưng thực hiện là cả vấn đề”- bà Dung lo ngại.

Nguy cơ bị sử dụng PVTM đối với ngành thép lớn

Đối với các DN ngành thép, cảnh báo được các chuyên gia đưa ra là DN sẽ phải chịu thách thức lớn do phải cạnh tranh với các DN thuộc những cường quốc thép nhất nhì thế giới, điển hình là Nga. Mặc dù có dư địa hỗ trợ ngành này trong giai đoạn đầu nhưng về lâu dài, tự bản thân DN thép phải tăng năng lực sản xuất, liên tục có chính sách giá bán phù hợp để cạnh tranh với DN nước ngoài. Bà Đào Thu Hương, Trưởng phòng Hội nhập kinh tế quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, đối với mặt hàng sắt thép, Việt Nam cam kết xoá bỏ ngay thuế NK nguyên liệu thô, ống thép không hàn, thép cuộn cán nóng, thép đặc biệt và thép hợp kim chế tạo cơ khí... Với lộ trình 5 năm sẽ là một số loại thép không gỉ, SP sắt thép... Lộ trình 7-10 năm là phôi thép, thép cán nguội, thép mạ kim loại và phủ màu, thép xây dựng... Đây cũng là những mặt hàng trong nước đã sản xuất được, do đó, lộ trình bảo hộ được xây dựng dài hơi hơn. “Tuy nhiên quá trình cạnh tranh gay gắt buộc các DN phải chủ động nắm bắt đầy đủ cam kết về lộ trình cắt giảm thuế NK liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh, từ đó xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn”- bà Hương khuyến cáo.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Chi Mai cũng có một cảnh báo dành cho DN ngành thép khi bà đánh giá khả năng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ EAEU. Bà Mai cho biết, các sản phẩm EAEU đã điều tra chủ yếu là thép và các sản phẩm liên quan đến thép. “Xét theo cơ cấu trong mối tương quan với hàng hóa XK của Việt Nam, khả năng thép là sản phẩm có nguy cơ cao bị EAEC xem xét điều tra áp dụng biện pháp PVTM. Do đó DN cần lưu ý. Trong khi đó, các sản phẩm XK chủ lực như dệt may, thủy sản, da giày… có khả năng bị kiện phòng vệ thương mại thấp hơn do tính cạnh tranh trực tiếp không có”- bà Mai cho biết.

Một số lưu ý khi Cộng đồng kinh tế Tây Phi áp dụng chung biểu thuế quan

Theo Thương vụ Việt Nam tại Maroc: Việc Cộng đồng kinh tế Tây Phi (CEDEAO) áp dụng biểu thuế quan chung (TEC) kéo theo một số thay đổi về thuế áp quan áp dụng tại các nước thành viên.

Cấu trúc biểu thuế quan chung (TEC/CEDEAO) được xây dựng dựa trên Hệ thống hài hòa được các nước thành viên thông qua vào tháng 12-2012 tại Abidjan, gồm 5.899 dòng thuế, chia thành 5 loại thuế như sau: Loại thứ nhất gồm 85 dòng thuế có mức thuế là 0% xếp vào vào nhóm 0; loại thứ 2 gồm 2.146 dòng thuế có mức thuế là 5%, xếp vào nhóm 1; loại thứ 3 gồm 1.373 dòng thuế có mức thuế là 10%, xếp vào nhóm 2; loại thứ 4 gồm 2.165 dòng thuế có mức thuế là 20%, xếp vào nhóm 3; và loại thứ 5 gồm 130 dòng thuế có mức thuế là 35%, xếp vào nhóm 4. Do có sự khác nhau giữa các loại thuế này mà TEC/CEDEAO có những biện pháp bổ sung, cụ thể là triển khai thuế bảo hộ bổ sung (Taxe Complémentaire de protection - TCP).

Đây là loại thuế áp dụng đối với hàng hóa đến từ nước thứ 3 trong hai trường hợp sau: Trường hợp thứ nhất là khi số lượng NK một hàng hóa nào đó vào lãnh thổ thuế quan của một nước thành viên trong một năm bằng hoặc lớn hơn 25% lượng trung bình NK của 3 năm gần nhất (năm có dữ liệu thống kê).

Trường hợp thứ hai là giá NK trung bình của tất cả các lô hàng (tính theo giá CIF), vào một nước thành viên, của một hàng hóa nào đó trong 1 tháng, tính theo đồng nội tệ dưới 80% giá NK trung bình của 3 năm có số liệu gần nhất. Sau khi tính toán, nếu giá trị tuyệt đối của các lô hàng NK quá nhỏ so với lượng sản xuất hoặc tiêu dùng thì thuế TCP không áp dụng. Thuế TCP được phép duy trì trong giai đoạn tối đa là 2 năm đối với trường hợp thứ nhất và 1 năm đối với trường hợp thứ 2.

Điều kiện để được áp dụng thuế TCP: Một nước thành viên của CEDEAO muốn được áp dụng thuế TCP trước tiên phải tham vấn Hội đồng khối (Commission de la CEDEAO) để xem có biện pháp nào thay thế không. Hội nghị tham vấn sẽ được tổ chức trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu của nước thành viên. Nếu sau Hội nghị tham vấn, nước thành viên muốn áp dụng mức thuế cao hơn mức thuế TEC, Hội đồng khối sẽ lấy ý kiến của Ủy ban quản lý TEC về việc cho phép áp dụng TCP. Trong trường hợp một hàng hóa nào đó NK vừa dùng làm đầu vào để sản xuất một hàng hóa khác, vừa dùng như một thành phẩm để tiêu thụ trên thị trường nội địa thì các sản phẩm dùng làm đầu vào (có bằng chứng để chứng minh) sẽ được hưởng thuế giảm.

Uyển Như


An Tư

HẢi quan

 

Các tin tức khác

>   Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ lên 72 tỉ USD (12/07/2015)

>   Cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (11/07/2015)

>   Cần công khai các hợp đồng PPP (11/07/2015)

>   Ông ‘basa’, chuyện chưa kể về vụ kiện 10 năm ở Mỹ (11/07/2015)

>   Công ty nước sạch của Tập đoàn Tân Tạo nguy cơ đóng cửa (11/07/2015)

>   Tỉ phú Mỹ muốn đầu tư gì vào Việt Nam? (11/07/2015)

>   Ngành mía đường chờ làn gió mới (10/07/2015)

>   6 tháng: Tiêu thụ thép tăng trưởng vượt dự kiến (10/07/2015)

>   Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm sụt giảm mạnh (10/07/2015)

>   Với VN, Nhật quan tâm gì trong đàm phán TPP? (10/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật