Thứ Ba, 23/06/2015 08:46

Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ: Cần thay đổi về “chất”

Tiềm năng của thị trường hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) rất khả quan trong thời gian tới do nhu cầu của người tiêu dùng cao, đặc biệt là các mặt hàng mang dấu ấn văn hóa của mỗi quốc gia với các kỹ thuật sản xuất tinh xảo, thiết kế sáng tạo. Đây chính là cơ hội mà Việt Nam cần nắm bắt để gia tăng sản lượng xuất khẩu.

Hàng TCMN Việt Nam cần chú trọng khâu thiết kế

“Rộng cửa” xuất khẩu

Bà Nguyễn Thu Thảo, Chuyên viên Hiệp hội xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam cho biết: Thị trường hàng TCMN và quà tặng toàn cầu có sức tiêu thụ hàng năm là 100 tỷ USD, trong đó thị trường chính là Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật, Hồng Kông (Trung Quốc) và một số nước Tây Âu khác. Đặc biệt, Mỹ là thị trường lớn nhất với mức tiêu thụ khoảng 67,5 tỷ USD, tiếp đến là các nước châu Âu với mức tiêu thụ khoảng 13 tỷ USD.

Đối với Việt Nam, xuất khẩu TCMN có vai trò quan trọng đóng góp vào giá trị gia tăng kinh tế cho mỗi địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Trong năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu của hàng TCMN Việt Nam đã tăng 8% so với năm 2013, đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 1,5% thị phần thị trường thế giới. Các mặt hàng mây tre lá, gốm sứ của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Mỹ, Đức, Nhật, Pháp, Anh; đồ gỗ đã có mặt tại thị trường Nhật, Mỹ, Đức, Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc…

Một cuộc khảo sát gần đây được tiến hành bởi Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) cho thấy, 85% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng TCMN đều tham gia xuất khẩu. “Cánh cửa” mở ra đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam đang vô cùng rộng lớn không chỉ bởi nhu cầu thị trường thế giới, Việt Nam lại lợi thế về nguyên liệu và nhân công để phát triển các sản phẩm TCMN, mà còn bởi nhiều nhà nhập khẩu đang rời bỏ thị trường Trung Quốc – vốn được xem là “thiên đường” xuất khẩu hàng TCMN, dịch chuyển sang thị trường Việt Nam. “Vấn đề thị trường không phải là khó khăn, mà cái khó nhất hiện nay là làm sao có được những sản phẩm có tính cạnh tranh”, ông Lê Bá Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nhấn mạnh.

Xây dựng “bản sắc”

Nếu Trung Quốc tiếp tục dựa vào thế mạnh của cơ khí hóa quá trình sản xuất để nâng cao tính cạnh tranh của 3 nhóm mặt hàng chủ đạo là chiếu cói, thảm cói, các mặt hàng tre gia dụng; Indonesia tiếp tục tập trung hàng mây nội thất, Philippines vẫn coi thiết kế là chiến lược chính để giữ vị trí số 1 trong thị trường hàng thủ công cao cấp, thì các mặt hàng TCMN của Việt Nam vẫn chưa tạo ra một “dấu ấn” riêng rõ rệt, hướng đến một thị trường cụ thể để chiếm lĩnh nó.

Các nhà sản xuất hàng TCMN của Việt Nam với đặc trưng là sản xuất các mặt hàng giá rẻ có số lượng lớn, chủ yếu phục vụ cho một số nhà bán lẻ lớn trên thế giới như Ikea (Thụy Điển), Wal Mart và Peer 1 Import (Mỹ)… Đáng nói hơn, hiện có 90% hàng sản xuất TCMN của Việt Nam dựa trên những chi tiết kỹ thuật của khách hàng cung cấp và sử dụng nhãn mác sản phẩm của khách hàng để xuất khẩu. Do vậy, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines… hàng TCMN của Việt Nam đang kém cạnh tranh hơn. Các đơn vị sản xuất hàng TCMN của Việt Nam chưa nhận ra được tầm quan trọng của thiết kế, tính mỹ thuật, văn hóa và sự cần thiết của việc liên tục đổi mới sản phẩm.

Bên cạnh đó, thị trường châu Âu và Bắc Mỹ đang là hai thị trường nhập khẩu hàng TCMN lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Cả hai thị trường này, đang ngày càng thắt chặt hơn nữa các quy định về tiêu chuẩn nhập khẩu đối với hàng TCMN đến từ các nước đang phát triển như Việt Nam. Do vậy, các DN cũng cần chú trọng đến các chứng nhận quốc tế để tiếp cận được với các thị trường “khó tính” này…

Quỳnh Nga - Lan Anh

báo công thương

Các tin tức khác

>   Thừa Thiên Huế muốn xây casino (23/06/2015)

>   Vốn đầu tư nhà nước đang chậm giải ngân (22/06/2015)

>   Pico sẽ "vung tiền" mở siêu thị mới (22/06/2015)

>   Vận tải biển áp phí 'vô tội vạ' (22/06/2015)

>   Đề xuất phương án xây nhà ga hành khách Cam Ranh (22/06/2015)

>   Dân khổ vì ngành Điện không xóa độc quyền được như Viễn thông (22/06/2015)

>   6 tháng, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 12,18 tỷ USD (22/06/2015)

>   Vuột mất đơn hàng 2 tỉ USD rất vô lý! (22/06/2015)

>   Việt Nam bắt đầu phải nhập khẩu quặng sắt quy mô lớn (21/06/2015)

>   Định hướng chính sách phát triển công nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp (21/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật