Chủ Nhật, 21/06/2015 09:14

Định hướng chính sách phát triển công nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp

Ngày 20/6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2035, thực trạng và định hướng" nhằm xây dựng đề án Định hướng chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh để đưa ra được chính sách đúng, cần nhận dạng đúng những cơ hội và thách thức để có các quyết sách phù hợp và khôn ngoan nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan đồng tổ chức, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng đây là một hoạt động hết sức quan trọng và có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tiếp theo 2016-2020. Công cuộc đổi mới đất nước của Việt Nam đã sắp tròn 30 năm với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được cộng đồng quốc tế đánh giá tốt và ghi nhận. Việt Nam đã bước ra khỏi tình trạng nghèo đói ở thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới, gia nhập Nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình.

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp nhiều năm đạt hai con số. Cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp có sự thay đổi tích cực, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp khai khoáng trong tổng giá trị của ngành công nghiệp giảm dần trong khi tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng.

Thành phần kinh tế trong công nghiệp có sự chuyển dịch khá rõ theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nhà nước, tăng tỷ trọng khu vực ngoài nhà nước và khu vực đầu tư nước ngoài. Theo đó, cơ cấu lao động trong nền kinh tế cũng chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng lao động làm việc trong ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp.

Ngành công nghiệp đã sản xuất, cung ứng đảm bảo nhu cầu những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất của các ngành kinh tế khác và tiêu dùng của nhân dân. Các ngành công nghiệp phát triển tương đối đồng đều, nâng khả năng tự chủ, tự trang bị cho nền kinh tế như năng lượng, luyện kim, hóa chất-phân bón, cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin...

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng trong nội tại ngành công nghiệp Việt Nam vẫn còn những hạn chế, yếu kém, đó là giá trị tăng thêm của ngành vẫn tăng trưởng ở mức thấp; phát triển theo bề rộng, gia công, lắp ráp là chủ yếu.

Ngành công nghiệp hỗ trợ chưa được phát triển phù hợp với phát triển công nghiệp trong giai đoạn vừa qua, ước đạt bình quân 36% so với 60-70% trong khu vực; một số lĩnh vực ngành công nghiệp chế biến chế tạo cho sản xuất nông nghiệp còn thiếu đồng bộ và kém phát triển dẫn đến những tồn tại nhất định cho phát triển nông nghiệp. Phân bố không gian phát triển công nghiệp trong cả nước và ngay trong nội bộ các vùng kinh tế vẫn còn nhiều bất cập, đầu tư và kêu gọi đầu tư vẫn còn thiếu sự đồng bộ, thiếu sự gắn kết.

Phân bố không gian công nghiệp đã bước đầu được hình thành theo hướng khai thác lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng của các địa phương nhưng chưa có sự phân bố hợp lý trên phạm vi toàn quốc.

Năng suất, trình độ lao động công nghiệp của Việt Nam thấp so với các nước có nền công nghiệp tiên tiến trên thế giới và trong khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến mà chủ yếu tập trung vào các ngành sản xuất gia công như dệt may, da giày.

Trình độ lao động công nghiệp vẫn ở mức thấp và tỷ lệ phân bố trình độ đào tạo mất cân đối. Công nhân kỹ thuật, đặc biệt là công nhân kỹ thuật bậc cao chiếm tỷ trọng nhỏ, đa số công nhân chỉ được đào tạo ngắn hạn, hướng dẫn công việc ngay tại xưởng sản xuất. Trình độ công nghệ của ngành công nghiệp hiện lạc hậu khoảng 2-3 thế hệ công nghệ so với các nước trong khu vực. Các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp có nhiều nhưng không hiệu quả.

Nhận định nhiều tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là thách thức vô cùng lớn, Phó Thủ tướng cho rằng từ nay đến năm 2020 sẽ có trên 20 Hiệp định thương mại tự do được ký kết. Đến năm 2024, hầu hết các dòng thuế của Việt Nam sẽ về 0%.

Để đưa ra được chính sách đúng cần phải nhận dạng đúng những cơ hội và thách thức. Chính sách công nghiệp phải bao gồm chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển công nghiệp hỗ trợ. Chính sách phát triển đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ và người lao động ngành công nghiệp, khắc phục hạn chế về năng lực quản lý, năng lực sáng tạo nghiên cứu và phát triển, trình độ tay nghề công nhân.

Cùng với đó là các chính sách phát triển hạ tầng công nghiệp theo phương châm nguồn lực trong nước là quyết định, ngoài nước là quan trọng; chuyển dịch thu hút đầu nước ngoài trong công nghiệp từ lượng sang chất phù hợp với khả năng đáp ứng tài nguyên và nhu cầu trong nước; đồng thời tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ. Muốn nâng cao năng lực sáng tạo của đất nước, cần hết sức quan tâm đến chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ. Việt Nam có ra khỏi được bẫy thu nhập trung bình hay không chính là nhờ khả năng công nghệ nội sinh, khả năng sáng tạo và trình độ khoa học công nghệ của ngành công nghiệp Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam hiện nay bao gồm ba nhóm chính sách lớn là nhóm chính sách về môi trường kinh doanh, nhóm chính sách về phát triển năng lực phổ quát và nhóm chính sách phát triển công nghiệp theo ngành (kiểu cũ) tác động trực tiếp vào một số ngành công nghiệp mục tiêu, ưu đãi về đầu tư, tín dụng, chính sách thương mại bảo hộ ngành mục tiêu, quy định tỷ lệ nội địa hóa.

Trong 5 năm tới, bên cạnh mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nhanh, bền vững; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam cần xây dựng nền công nghiệp và thương hiệu công nghiệp quốc gia với tầm nhìn trung, dài hạn, có lộ trình cho từng giai đoạn phát triển.

Ông Vương Đình Huệ cho rằng Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương và có chính sách phù hợp để xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm, tập trung vào những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu.

Ghi nhận về sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng cần có sự chuyển hóa mạnh mẽ hơn nữa, thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động, khắc phục những hạn chế trong điều phối, thực hiện chính sách công nghiệp kiểu cũ theo chiều dọc mang tính chất tìm kiếm đặc quyền đặc lợi, tập trung vào can thiệp trực tiếp, ưu đãi trong tiếp cận thị trường, bảo hộ một số ngành mục tiêu.

Theo bà Victoria Kwakwa, Chính phủ phải có chính sách công nghiệp tốt, đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển hóa về cơ cấu ngành, có cam kết thực sự cho khu vực tư nhân trong nước nổi lên, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm với những chính sách can thiệp gián tiếp theo chiều ngang. Không có khu vực tư nhân trong nước năng động, mạnh mẽ, quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam sẽ chậm, điều này không thể trông vào khu vực nước ngoài. Ngân hàng Thế giới sẵn lòng hỗ trợ Việt Nam thực hiện quá trình này.

Chu Thanh Vân

VIETNAM+

Các tin tức khác

>   Những kẽ hở “rơi” vốn nhà nước (21/06/2015)

>   Việt Nam cần có chợ đấu giá nông sản xuất khẩu (20/06/2015)

>   Áp trần giá sữa: Doanh nghiệp gặp khó (20/06/2015)

>   "Số liệu về XNK của Trung Quốc không hẳn là đúng" (20/06/2015)

>   Kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 6 đạt hơn 14 tỷ USD (20/06/2015)

>   Giấy phép con, phí cao “đè” doanh nghiệp (20/06/2015)

>   Doanh nghiệp nội phải chịu sức ép từ các loại thuế, phí sau FTA? (19/06/2015)

>   Ngăn chặn nguy cơ “bãi thải công nghiệp” (19/06/2015)

>   Doanh nghiệp FDI biến mất: Không nợ, để lại tài sản lớn (19/06/2015)

>   Thừa Thiên Huế: Thủ tướng yêu cầu giải thể Lâm nghiệp Phú Lộc (03/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật