Doanh nghiệp nội phải chịu sức ép từ các loại thuế, phí sau FTA?
Khi thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu có thể giảm, gánh nặng ngân sách sẽ đè lên nguồn thu nội địa và điều này có thể khiến doanh nghiệp trong nước phải chịu nhiều sức ép.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|
Lo lắng này vừa được ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội nêu lên bên lề hội thảo: "Tác động của các hiệp định thương mại tự do tới thu ngân sách." Hội thảo do Viện chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 19/6, tại Hà Nội.
Theo ông Thành, khi Việt Nam thực hiện cam kết giảm thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu có thể giảm xuống.
Tuy nhiên, với những lợi ích khác mà nền kinh tế có thể thu được về hoạt động kinh doanh, tăng trưởng kinh tế thì nguồn thu theo ông Thành dự báo là có thể đảm bảo được.
"Trong 10 năm gần đây, Việt Nam có khuynh hướng dịch chuyển, thu từ nội địa đang nhiều lên nhằm cân bằng và duy trì nguồn thu," ông Thành nói.
Tuy vậy, điều này cũng đặt ra sức ép với các doanh nghiệp trong nước khi Chính phủ có khuynh hướng chuyển nguồn thu vào khu vực nội địa. Các doanh nghiệp theo ông sẽ phải chịu nghĩa vụ thuế nhiều hơn. Ông Thành khẳng định, vấn đề này đồng nghĩa, doanh nghiệp trong nước sẽ phải chịu hai sức ép, một từ nghĩa vụ thuế, hai là sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Thành cũng nhắc tới một số ý kiến cho rằng thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế đang giảm và điều này giúp giảm gánh nặng thuế cho các đơn vị. Tuy nhiên, đại diện VEPR cho rằng, việc giảm thuế trên nếu không thực hiện thì không thủ thu hút nguồn vốn và các doanh nghiệp có thể sẽ rời khỏi Việt Nam.
Việc tăng những khoản phải nộp được vị chuyên gia của Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng bao gồm thuế, phí và qua cả giá cả như các khoản phí trong giá xăng, dầu hay giá điện. Ngoài ra, theo ông, đề xuất mới đây của ngành tài chính về áp dụng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới với ôtô nhập khẩu bao gồm cả chi phí bán hàng trong nước cũng có thể là thay đổi để tăng nguồn thu.
"Lý do đưa ra thì nhiều nhưng theo quan điểm của tôi, xét cho cùng, đó cũng chỉ là phương thức để duy trì nguồn thu," ông Nguyễn Đức Thành nói./.
Trước đó, ngày 4/5 tại Hà Nội, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký kết hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA). Tới ngày 29/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu đã ký chính thức hiệp định thương mại tự do.
Hiện nay Việt Nam đang đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do gồm: Hiệp định Việt Nam – EU, Việt Nam – Bốn nước Bắc Âu (EFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
|
Xuân Dũng
vietnam+
|