Thà làm ít nhưng chất lượng cao
Hiện nhà nước đang có chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nên các “đại gia” bỏ vốn vào lĩnh vực này được tạo điều kiện tiếp cận đất đai, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tốt hơn, nhất là đầu tư vào các vùng khó khăn, vùng núi.
Có vốn, có thị trường tiêu thụ rộng lớn, được hỗ trợ tạo điều kiện sản xuất - kinh doanh, vấn đề còn lại là các doanh nghiệp (DN) cần gắn kết với nông dân để nhà nông cùng được hưởng lợi. Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chưa đăng ký vùng miền, độ đồng đều kém, kỷ luật thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm... nên muốn vươn ra thế giới thì phải có sự thay đổi lớn. Trước mắt phải thay đổi từ các cơ quan chỉ đạo: nuôi con gì, trồng cây gì và phải theo tín hiệu thị trường; thà làm ít nhưng chất lượng cao, có địa chỉ, có thị trường còn hơn là làm nhiều, giá rẻ rồi vứt đi.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất bắp tại Campuchia của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Ảnh: Quốc Hy
|
Từ trước đến nay, ngành nông nghiệp Việt Nam nói mãi về chuỗi liên kết nhưng thực tế nông dân và nhà kinh doanh khó kết nối bởi nông dân luôn ở thế yếu, diện tích đất canh tác của họ manh mún nên hàng hóa phụ thuộc vào thương lái. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, nông dân sở hữu diện tích đất nông nghiệp lớn nên liên kết hiệu quả, DN thậm chí phải phụ thuộc vào nhà nông. Một số “đại gia” đang đầu tư vào nông nghiệp song liên kết giữa họ với nông dân có bền vững hay không phụ thuộc vào sự chia sẻ lợi ích giữa hai bên. Các DN, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp với chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ thì cơ hội thành công rất lớn. Tuy nhiên, điều mà chính các DN này sẽ gặp khó là diện tích đất nông nghiệp không được dồi dào do chính sách ruộng đất của chúng ta còn hạn chế, vì vậy nhà nước cũng nên có chính sách cho thuê dài hạn hoặc chính các DN nên vận động nông dân cho thuê đất, rồi thuê nông dân làm để hiệu quả sản xuất, kinh doanh tối ưu.
Chính sách vốn cho nông nghiệp của các ngân hàng thương mại hay cả ngân hàng nhà nước đã có từ lâu nhưng chưa đi vào thực tế. Các chương trình vốn cho nông nghiệp muốn thành công phải tổ chức bài bản, có kế hoạch và dự án hẳn hoi, đặc biệt là chỉ dành vốn cho sản xuất chứ không dành cho những việc khác.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định song phương đang mở ra cho ngành nông nghiệp - đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao - nhiều cơ hội mới. Điều quan trọng là phải biết cách làm!
Nhung Thanh
người lao động
|