Thứ Tư, 03/06/2015 17:41

Tận dụng hệ thống cảnh báo sớm để hạn chế các vụ kiện phá giá

Việt Nam đã xây dựng được hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với 12 mặt hàng. Đây là thông tin được công bố tại hội thảo "Sử dụng hệ thống cảnh báo sớm để hạn chế thiệt hại của các vụ kiện chống bán phá giá đối với Việt Nam" tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 3/6.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN)

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh-Bộ Công Thương, xu hướng hội nhập diễn ra sôi động trên thị trường quốc tế, dẫn đến hiện trạng các nước cắt giảm hàng rào thuế quan xuống thấp hoặc 0%, nhưng ngày càng tận dụng nhiều hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại hơn. Do đó, hàng hóa xuất nhập khẩu luôn có nguy cơ cao vướng phải các vụ kiện chống bán phá giá, gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp về chi phí, thời gian, thị phần tại thị trường xuất khẩu.

Trước tình trạng này, Cục Quản lý cạnh tranh-Bộ Công Thương đã xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với 12 mặt hàng gồm thủy sản, chất dẻo, cao su, giấy, sợi, may mặc, giày dép, thép, máy móc, linh kiện điện tử, thiết bị điện, nội thất.

Hệ thống cảnh báo này sẽ giúp doanh nghiệp nhận diện nguy cơ bị kiện tại những thị trường trọng điểm, hỗ trợ thông tin điều tra và rà soát. Bên cạnh đó, hệ thống này còn bổ sung dữ liệu nhập khẩu, thông tin thị trường, quy định pháp lý của thị trường xuất khẩu...

Nhận định về hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá, các chuyên gia cho rằng hệ thống này mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong tình hình Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

Hệ thống sẽ hỗ trợ doanh nghiệp dự báo trước biến động thị trường; nhận biết và phòng tránh khả năng bị kiện chống bán phá giá; chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh; tăng cường phối hợp giữa doanh nghiệp trong ngành. Riêng với cơ quan quản lý, tác dụng của hệ thống này là hỗ trợ theo dõi hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, xúc tiến thương mại, đa dạng thị trường và ngành hàng, phối hợp hiệp hội và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo thống kê, từ năm 2002 đến nay, Việt Nam đã vướng phải hơn 100 vụ kiện chống bán phá giá tại nhiều thị trường xuất khẩu. Riêng sáu tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã vướng bốn vụ kiện chống bán phá giá, gồm các mặt hàng tôm, thép, sợi, ống dẫn dầu OCTG.

Đánh giá về tác hại của các vụ kiện chống phá giá đối với Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Trường Hưng, Phòng Điều tra vụ việc phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh, nhấn mạnh, các vụ kiện thường tạo ra hiệu ứng dây chuyền, tức một mặt hàng bị kiện tại một quốc gia thì ngay sau đó các quốc gia khác cũng tiến hành những vụ kiện tương tụ với mặt hàng đó. Mặt khác, khi hàng hóa đã bị áp thuế chống phá giá thì mức thuế này được duy trì trong thời gian dài và khó kết thúc.

Một số doanh nghiệp chia sẻ nếu trước đây chỉ những doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn và những ngành hàng có số lượng nhiều mới bị kiện chống bán phá giá, thì hiện nay doanh nghiệp nhỏ, hàng hóa số lượng ít cũng luôn nằm trong nguy cơ bị kiện.

Nhiều quốc gia sử dụng biện pháp chống bán phá giá, phòng vệ thương mại như công cụ ưu tiên áp dụng đối với những quốc gia đang phát triển; trong đó có Việt Nam. Thực tế cho thấy, xu hướng trong tương lai các nước sẽ áp dụng đồng thời cả hai biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp; thay đổi phương pháp tính toán biên độ bán phá giá.

Đặc biệt, một số nước sử dụng phương pháp tính thị phần nhập khẩu cộng gộp để khởi xướng điều tra các vụ phòng vệ thương mại, đồng thời các sản phẩm có giá trị thấp cũng là đối tượng bị điều tra.

Mỹ Phương

vietnam+

Các tin tức khác

>   "Giảm thuế theo cam kết FTA tác động không lớn tới ngân sách" (03/06/2015)

>   Thi công nhà ga mới sân bay Đà Nẵng trong 18 tháng (03/06/2015)

>   Bộ Công Thương kiến nghị cho phép XK than (03/06/2015)

>   Thu hút DN Nhật đầu tư các lĩnh vực then chốt (03/06/2015)

>   Xuất khẩu gắn với xây dựng vùng nguyên liệu (03/06/2015)

>   FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu: Ngành thép khó khăn nhất (03/06/2015)

>   Soi 4 doanh nghiệp ngành sữa thuần Việt (10/06/2015)

>   Việt Nam đề nghị tham vấn việc Indonesia áp thuế tôn lạnh nhập khẩu (03/06/2015)

>   Sẽ xuất khẩu 100 ngàn tấn vải thiều trong năm tới (02/06/2015)

>   Không “thổi phồng” số liệu khách qua Tân Sơn Nhất (02/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật