FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu: Ngành thép khó khăn nhất
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ba ngành được lợi nhất từ Hiệp định FTA Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu là thủy sản, dệt may, da giày. Tuy nhiên, ngành thép sẽ rất khó khăn khi phải cạnh tranh với các đối tác hàng đầu thế giới. Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) vừa chính thức kí kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Hiệp định sẽ mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với các DN Việt Nam.
Nông nghiệp không bị tác động trong 5 năm tới
Về tổng thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm vào khoảng 90% số dòng thuế, tương đương trên 90% kim ngạch thương mại song phương. Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, phía Liên minh cam kết áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Phía Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải...
Theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), các mặt hàng này nhìn chung đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước.
Riêng đối với các mặt hàng nông sản, dự báo trong 5 năm đầu thực thi Hiệp định, ngành Nông nghiệp Việt Nam sẽ không bị tác động rõ rệt từ việc nhập khẩu mặt hàng nông sản từ Liên minh này.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng khoảng 18-20% hằng năm.
Ngành thép đối mặt với thách thức lớn
Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết đây là hiệp định mới nhất đối với những nước mà trước đây Việt Nam đã từng có quan hệ thương mại. Hiệp định ký kết mở ra cơ hội cho nhiều ngành công nghiệp, nông nghiệp của Việt Nam phát triển.
Cụ thể, theo ông Hải, ba ngành được lợi nhất gồm thuỷ sản, da dày, dệt may. Theo đó, ngay sau khi kí kết phía Liên minh đã quyết định giảm thuế suất về 0%, riêng một số sản phẩm dệt may thì thuế suất về 0% là chắc chắn nhưng có lộ trình. Đây đều là các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh.
Trong khi đó, ngành thép sẽ chịu thách thức lớn do sẽ phải cạnh tranh với các DN ở những cường quốc thép nhất nhì thế giới, điển hình là Nga. Trong đàm phán, Bộ Công Thương đã cố gắng hạn chế tối đa khó khăn và có những biện pháp bảo hộ về hàng rào thuế quan trong thời gian tới.
"Mặc dù có dư địa hỗ trợ ngành này trong giai đoạn đầu nhưng về lâu dài, tự bản thân doanh nghiệp thép phải tăng năng lực sản xuất, cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Đã hội nhập thì chúng ta phải theo luật chơi của quốc tế", Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất thép, tính chung 5 tháng đầu năm 2015, lượng sắt thép thô đạt 1.396.300 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ; thép cán đạt 1.677.000 tấn, tăng 18,8% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc đạt 1.481.700 tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ.
Nhập khẩu thép các loại từ các thị trường trong tháng 5/2015 giảm 19,3% về lượng và 34,5% về trị giá so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2015, nhập khẩu thép các loại tăng 14,7% về lượng, giảm 2,5% về trị giá, tuy nhiên nhập khẩu sản phẩm từ thép tăng 51,2% về trị giá so với cùng kỳ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện tại nhu cầu thép xây dựng tại thị trường nội địa vẫn giữ mức tăng trưởng khá mặc dù lượng tiêu thụ có giảm nhẹ so với tháng trước. Giá bán thép được duy trì ổn định. Ở khu vực phía Nam, thời điểm cuối tháng 5 một số nhà sản xuất điều chỉnh tăng giá thép khoảng 100.000 đồng/tấn nhằm bù đắp một phần giá nguyên liệu và một số chi phí đầu vào tăng. Các nhà sản xuất vẫn liên tục có các chính sách điều chỉnh giá bán và chính sách bán hàng, chiết khấu phù hợp nhằm đẩy mạnh lượng tiêu thụ.
Phan Trang
Chính phủ
|