7 đối tượng chịu thuế tài nguyên
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế tài nguyên. Theo Dự thảo Thông tư này, có 7 đối tương thuộc diện chịu thuế tài nguyên.
Khai thác than
|
Cụ thể, đối tượng chịu thuế tài nguyên theo quy định tại Thông tư này là các tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định.
Bao gồm: (1) Khoáng sản kim loại; (2) Khoáng sản không kim loại; (3) Sản phẩm của rừng tự nhiên, bao gồm các loại thực vật và các loại sản phẩm khác của rừng tự nhiên, trừ động vật và hồi, quế, sa nhân, thảo quả do người nộp thuế trồng tại khu vực rừng tự nhiên được giao khoanh nuôi, bảo vệ; (4) Hải sản tự nhiên, gồm động vật và thực vật biển; (5) Nước thiên nhiên; (6) Yến sào thiên nhiên, trừ yến sào do tổ chức, cá nhân thu được từ hoạt động đầu tư xây dựng nhà để dẫn dụ chim yến tự nhiên về nuôi và khai thác; (7) Tài nguyên thiên nhiên khác do Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Dự thảo cũng quy định rõ nước thiên nhiên bao gồm: Nước mặt và nước dưới đất; trừ nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp và nước biển để làm mát máy.
Nước biển làm mát máy quy định tại khoản này phải đảm bảo các yêu cầu về môi trường, về hiệu quả sử dụng nước tuần hoàn và điều kiện kinh tế kỹ thuật chuyên ngành được Bộ quản lý nhà nước có liên quan xác nhận. Trường hợp này, cơ quan thuế căn cứ kết quả kiểm tra và ý kiến đề nghị của cơ quan chức năng để tính thuế.
Còn đối với yến sào do tổ chức, cá nhân nuôi và khai thác phải đảm bảo quy định tại Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ về người nộp thuế; căn cứ tính thuế; miễn, giảm thuế tài nguyên và tổ chức thực hiện.
V.M
thời báo ngân hàng
|