Thứ Năm, 04/06/2015 13:37

Sân bay Long Thành: Sao bây giờ mới bàn làm hay không?

Không có đối thủ trong khu vực, chậm sẽ mất thời cơ vàng… khá nhiều mỹ từ song không phải không có băn khoăn phiên tại phiên thảo luận về chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành của Quốc hội, sáng 4/6.

* Sân bay Long Thành phải trình Quốc hội một lần nữa

* Bộ trưởng Thăng: Cần xây sân bay Long Thành càng sớm càng tốt

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

Mở đầu là đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), sau đó là đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM), không theo thứ tự đăng ký như mọi lần, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ưu tiên các vị đến từ các khu vực sẽ xây dựng sân bay và địa phương có liên quan.

Cần một tầm nhìn lâu dài

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh điều khiến ông băn khoăn là dự án sân bay Long Thành chỉ là dự án thành phần của quy hoạch tổng thể khu vực Đông Nam bộ.

Qua hai đời Thủ tướng, các dự án thành phần khác đã triển khai rồi mà bây giờ chúng ta mới bàn từ đầu là làm hay không làm sân bay Long Thành, nếu không làm thì cả quy hoạch bị vỡ và sẽ lãng phí như thế nào? ông Quốc phân vân.

Nhắc đến thông tin từ báo cáo của Chính phủ là dự án được lập để thực hiện nghị quyết của Đảng, đại biểu Dương Trung Quốc nói: “như thế chúng tôi nghĩ Đảng đã bàn rồi thì Quốc hội quyết làm gì, bàn không đi đến đâu cả”.

Vấn đề khác, theo đại biểu Quốc là không phải đại biểu nào cũng đủ thông tin để đánh giá hiệu quả của dự án, vậy tại sao không có tư vấn độc lập để dân yên lòng?

Khẳng định sự ủng hộ song đại biểu Quốc đề nghị lộ trình tiếp theo cần đẩy mạnh minh bạch hóa thu hút ý kiến của của dân và tiếng nói chuyên môn xác đáng để người dân tin tưởng, còn hiện nay cách tiếp thu khiến cho mọi người chưa yên lòng.

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng cho rằng cần phải thay đổi cách làm, không chỉ với dự án Long Thành để đại biểu không cảm thấy được đặt vào tình thế đã rồi, quyết trong hoàn cảnh không còn con đường nào khác.

Nhận xét là báo cáo lần này của Chính phủ đã rõ ràng hơn rất nhiều, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn cho rằng thời gian qua dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về dự án là do báo cáo đầu tư ban đầu đã nêu quá nhiều thuận lợi và nêu quá ít về khó khăn.

Ông Văn cũng đề nghị cần phải đầu tư kinh phí thích đáng cho nhân lực, khi mà sân bay Long Thàng được dự tính sẽ đón hàng trăm triệu lượt khách/năm.

Có thể khởi công sớm hơn

Như VnEconomy đã đưa tin, tại báo cáo giải trình tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thu hồi đất một lần 5.000 ha thì tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 5,45 tỷ USD, tăng khoảng 220 triệu USD so với phương án thu hồi 2.750 ha của Chính phủ.

Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc đề nghị này, vì với quy mô như Chính phủ đề xuất thì chỉ cần 2750 ha đất là đủ và cần thu hồi 1 lần cho cả 3 giai đoạn.

Đại biểu Trần Du Lịch cũng khẳng định, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là bất khả thi bởi về lâu dài không có sân bay quốc tế nằm trong khu dân cư, việc đền bù giải phóng mặt bằng cũng là bất khả thi. Và nhất là, theo quy hoạch vùng đô thị Tp.HCM thì không có mở rộng Tân Sơn Nhất.

Thể hiện sự ủng hộ hoàn toàn, ông Lịch nói chưa bàn đến chi tiết dự án khả thi nhưng nếu trước mắt nếu làm chậm sân bay Long Thành thì Tân Sơn Nhất sẽ quá tải mà không trở tay kịp. Bởi thế đại biểu Lịch cho rằng có thể đẩy nhanh tiến độ để sân bay Long Thành hoàn thành giai đoạn 1 sớm hơn 2025 như dự tính.

Ủng hộ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị có thể rút ngắn thời gian khởi công sớm hơn 2018, có thể 2016 hay 2017.

Chậm thì sẽ mất thời cơ vàng

Khác với đại biểu Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh ủng hộ phương án thu hồi đất một lần cả 5.000 ha.

Nêu quan điểm về việc sử dụng vốn đầu tư, nếu “lãng phí là có tội với dân”, đại biểu Vinh thể hiện sự nhất trí rất cao và đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án. Bởi “nếu chậm sẽ mất thời cơ vàng”.

Sân bay Long Thành sẽ không có đối thủ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) khẳng định. Ông Bình cũng đề cập viễn cảnh khi có sân bay này Việt Nam sẽ là điểm hội tụ các văn phòng điều hành của trung tâm đa quốc gia và thu hút nhiều hoạt động quốc tế khác.

Với lợi thế to lớn của sân này thì theo đại biểu Bình nguồn vốn sẽ không phải là mối lo lớn.

Đồng tình về chủ trương, song không phải vị đại biểu nào cũng lạc quan như đại biểu Bình.

Băn khoăn về hiệu quả, đại biểu Trần Hoàng Ngân dẫn số liệu báo cáo tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) của dự án là 24,5%, trong khi đó mức bình quân chỉ hơn 10%.

Như vậy là quá cao, liệu có “đánh bóng” hay không, đại biểu Ngân đặt câu hỏi. Tuy nhiên, ông Ngân cũng “thông cảm vì đây là báo cáo tiền khả thi”.

Theo nghị trình, việc bấm nút quyết định chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành sẽ diễn ra vào sáng 25/6, trước khi Quốc hội bế mạc kỳ họp này một ngày.

Nguyên Vũ

vneconomy

Các tin tức khác

>   Sài Gòn sẽ thành trung tâm thời trang của cả nước (04/06/2015)

>   Phát triển kinh tế biển: Nặng khẩu hiệu, thiếu đột phá (04/06/2015)

>   Cảng Nha Trang trở nên hấp dẫn từ khi nào? (04/06/2015)

>   Hàng trăm ngàn ôtô phải thu hồi: Tẩu tán đi đâu hết? (04/06/2015)

>   Du lịch biển Việt Nam: Giàu tiềm năng nhưng "nghèo" dịch vụ (04/06/2015)

>   VTC chính thức sáp nhập vào VOV (03/06/2015)

>   Thành lập Cty Quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La (03/06/2015)

>   Dự án thép hàng tỉ đô la có thể bị rút giấy phép (03/06/2015)

>   Tận dụng hệ thống cảnh báo sớm để hạn chế các vụ kiện phá giá (03/06/2015)

>   "Giảm thuế theo cam kết FTA tác động không lớn tới ngân sách" (03/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật