Review VNM ETF: Loại OGC và không thêm mới cổ phiếu Việt Nam?
Tương tự đợt dự báo review danh mục FTSE Vietnam ETF, các chuyên gia tiếp tục có sự đồng thuận khi cho rằng trong đợt review danh mục của VNM ETF ngày 13/06 tới đây chỉ có OGC bị loại ra và không thêm mới cổ phiếu nào.
“Trong đợt đảo danh mục lần này, OGC chắc chắn sẽ bị loại vì vi phạm tiêu chí vốn hóa. Cụ thể, tại ngày chốt sổ 29/5/2015, tổng giá trị vốn hóa của OGC bằng 37 triệu USD Mỹ, thấp hơn rất nhiều so với con số 75 triệu mà quỹ đã qui định. Bên cạnh việc loại ra OGC, sẽ không có bất kỳ cổ phiếu Việt Nam nào được thêm mới vào rổ", ông Nguyễn Hồng Điệp - Thành viên điều hành Môi giới và Tư vấn CTCK Vndirect (VND) đưa ra ý kiến.
Ông Điệp cho biết thêm, tỷ trọng đầu tư cổ phiếu Việt Nam trong Van Eck hiện là 77.5%. Nếu quỹ này không tìm được cổ phiếu nước ngoài mới nào, thì tỷ trọng sẽ được tiếp tục giữ nguyên. Trong trường hợp này, nhiều mã sẽ được mua thêm. Điển hình là STB, HAG,VCG mua khoảng 3 triệu/mã. Còn FLC, SHB, IJC mua gần 5 triệu/mã.
Nhưng nếu Van Eck tìm được mã nước ngoài khác, thì tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ giảm xuống 73%-73.5%. Trường hợp xấu hơn, tìm được 2 mã nước ngoài, thì tỷ trọng sẽ quay trở về 70%. Ở cả 2 trường hợp này, hầu hết tất cả các mã trong danh mục sẽ bị bán, ngoại trừ STB vẫn được mua ròng.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc khối Phân tích CTCK Bảo Việt (BVS) cũng cho rằng: “Chỉ có OGC bị loại khỏi danh mục do vi phạm tiêu chí vốn hóa và không thêm mới cổ phiếu Việt Nam nào”.
Về mặt tỷ trọng, ông Bình cho biết nếu đúng tiêu chí của quỹ thì tỷ trọng các cổ phiếu Việt Nam sẽ hạ xuống mức 70%. Tuy nhiên vẫn có một số quỹ giữ ở mức trên 70%. Ở kịch bản không thêm mới, các mã VIC, VCB, MSN, KBC sẽ bị bán bớt trong khi STB, ITA, DPM và VCG được mua vào mạnh nhất.
Còn trên quan điểm của ông Trần Minh Hoàng – Trưởng bộ phận nghiên cứu Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS): “OGC sẽ bị loại và không có mã nào được thêm mới. Về biến động tỷ trọng chỉ có STB được mua vào tầm khoảng 3-4 triệu cổ phiếu”.
Ông nhận định tỷ trọng OGC trong VNM rất thấp nên việc loại ra khỏi danh mục sẽ không ảnh hưởng nhiều. Song, theo ông Hoàng, tiền mới từ Van Eck sẽ bị giảm bớt thậm chí dòng tiền hiện tại cũng sẽ bị thu hẹp. Biến động tăng dòng tiền chỉ xuất hiện sau khi kỳ cơ cấu kết thúc.
VN-Index đang gặp vùng cản, ngành ngân hàng sẽ có điều chỉnh?
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, đáy của thị trường ở vùng 520-530 điểm. Hiện tại thị trường đang hồi phục và nằm trong thân sóng hồi phục. Vùng cản then chốt là 580-585 điểm và VN-Index đang test lại vùng này trong nhiều phiên gần đây. Nếu vượt qua vùng này, VN-Index chính thức xác nhận là tăng trong trung và dài hạn.
Hai động lực chính để các cổ phiếu gia tăng qua đó kéo chỉ số gia tăng theo ông Bình là mở room và lộ trình ký kết Hiệp định thương mại TPP. Với mở room, những cổ phiếu liên quan trực tiếp là ngành chứng khoán và nhóm kín room, còn TPP sẽ liên quan đến ngành xuất khẩu.
Ngoài hai nhóm trên, ông Bình cũng kỳ vọng ở ngành bất động sản nhưng thiên về tính phân hóa đến từng cổ phiếu thay vì tạo đột biến cho toàn ngành hay là điểm đỡ cho thị trường.
Còn theo ông Trần Minh Hoàng, trong ngắn hạn (hết tháng 6/2015), cả dòng tiền nội và ngoại vẫn sẽ tích cực nhưng qua quý 3/2015 nhiều khả năng dòng tiền chung sẽ suy giảm.
Các thông tin tích cực như nới room cho chứng khoán, các gói hỗ trợ bất động sản hay các hiệp định thương mại,... sẽ là nhân tố tác động tích cực đến các nhóm dẫn dắt qua đó có thể lôi cuốn dòng tiền. Tuy nhiên, để xác định đà tăng có ổn định hay không cần quan sát thêm dòng tiền ngoài vào các trụ cột có lan tỏa tốt hay không. Hiện tại có sự lan tỏa nhưng tập trung nhiều ở dòng ngân hàng, chứng khoán chứ chưa thực sự lan tỏa ra toàn thị trường.
Ông kỳ vọng thời gian còn lại cuối tháng 6 xu hướng sẽ là tích cực khi và nếu điều chỉnh chỉ là tạm thời để tăng tiếp. Tuy nhiên, dự báo VN-Index sẽ khó vượt mốc 600 điểm mà chỉ xoay quanh mốc 590 điểm.
Ông Nguyễn Hồng Điệp vẫn bảo lưu quan điểm thị trường đã đảo chiều đi lên. VN-Index đang tiến tới ngưỡng tâm lý 600 điểm và xa hơn là ngưỡng kháng cự kỹ thuật 630 điểm. Mặ dù tăng mạnh nhưng theo đó vẫn còn khá nhiều cổ phiếu chưa tăng hay thậm chí nếu so giá lịch sử, nhiều mã vẫn đang nằm ở vùng đáy dài hạn.
Theo ông Điệp, năm 2015, thậm chí có thể cả năm 2016, cổ phiếu ngân hàng sẽ là dòng dẫn dắt. Ngân hàng sẽ có nhiều đổi thay về nợ xấu, về chất lượng tài sản, về tăng trưởng tín dụng. Nhiều ngân hàng hàng đầu sẽ tăng qui mô vốn, thị phần. Sự kỳ vọng vào nhóm này là hoàn toàn có cơ sở. Có thể một vài chỉ số như P/E hay P/B có vẻ hơi cao, nhưng những con số này sẽ thay đổi trong tương lai. Ngoài ra, nếu so sánh với khu vực, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam còn khá rẻ.
Ngoài dòng ngân hàng mang tính dẫn dắt, ông cũng lưu ý các ngành khác như thủy sản, dệt may, hạ tầng. Ngành bất động sản thì có VIC luôn là lá cờ đầu. Dòng chứng khoán cũng rất hấp dẫn với những cổ phiếu như SSI, HCM, VND.
Trong trung và dài hạn, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng này vẫn được 3 chuyên gia trên đánh giá là nhân tố dẫn dắt thị trường. Song, trước mắt nhóm này có thể điều chỉnh do đã tăng mạnh thời gian gần đây.
Duy Hoàng
|