Hãy kích hoạt chức năng thứ 4 của TTCK
TSKH Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi chia sẻ đánh giá về TTCK Việt Nam sau 15 năm hoạt động đã cho rằng, vai trò của TTCK chưa được nhìn nhận đầy đủ.
TTCK mới được nhìn nhận ở vai trò là kênh huy động vốn, thúc đẩy sự phân bổ vốn hiệu quả và thiết lập chuẩn mực về quản trị công ty, công bố thông tin trên thị trường.
Một chức năng quan trọng khác, chức năng thứ 4, nhưng TTCK Việt Nam chưa có cơ hội để bộc lộ, đó là chức năng tạo nền tảng thiết lập hệ thống an sinh xã hội đa trụ cột.
Trong khi các hệ thống an sinh xã hội ở nhiều nước chủ yếu là hệ thống đa trụ cột thì tại Việt Nam về bản chất mới là hệ thống đơn trụ cột, tức là dựa trên một trụ cột duy nhất là Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Thực tế này tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thách thức trong nỗ lực phát triển kinh tế đồng thời bảo đảm an sinh xã hội của nước ta.
Để kích hoạt chức năng thứ 4 của TTCK, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quỹ hưu trí tự nguyện.
Sản phẩm này xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2013 dành cho khối công ty bảo hiểm (quy định tại Thông tư 115/2013/TT-BTC), nhưng tính đến nay mới có 4 DN bảo hiểm (Manulife, AIA, Dai-ichi và PVI Sunlife cung cấp. Hiện tại, khối công ty bảo hiểm mới thu hút được vài chục DN tham gia với trên 12.000 hợp đồng, doanh thu phí bảo hiểm hưu trí tự nguyện đến hết năm 2014 đạt chưa đầy 200 tỷ đồng.
Trong Hội thảo mới đây, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị định quỹ hưu trí tự nguyện là nhằm tạo khung pháp lý để triển khai mô hình quỹ hưu trí tự nguyện rộng rãi, mạnh mẽ hơn tại Việt Nam.
Theo Đề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện tại Quyết định số 144/2014 của Thủ tướng Chính phủ, tới năm 2020, Việt Nam phải có 400 - 500 DN với khoảng 150.000 người tham gia vào quỹ, tổng đầu tư trở lại nền kih tế của các quỹ này là 10.000 - 12.000 tỷ đồng.
So với mục tiêu mà Thủ tướng đặt ra thì thực tế thị trường quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam hiện nay còn quá bé nhỏ. Nếu không tạo được cơ chế thúc đẩy quỹ hưu trí tự nguyện, sẽ không thể đạt được mục tiêu mà Đề án đề ra và hệ quả là hệ thống an sinh xã hội Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu và lạc lõng.
15 năm hoạt động của TTCK Việt Nam chứng kiến sự ra đời của một loại hình DN mới, đó là công ty quản lý quỹ. Loại hình DN này, cùng với khối ngân hàng, công ty bảo hiểm, đang được Bộ Tài chính dự kiến đưa vào dự thảo Nghị định là 3 chủ thể chính sẽ tạo lập nên các quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam.
Từ thị trường, nhiều ý kiến phản biện đặt ra những câu hỏi về ưu đãi cho người tham gia góp quỹ, về hoạt động đầu tư của quỹ, về việc khối công ty quản lý quỹ non trẻ có thể vững vàng lập quỹ hưu trí tự nguyện hay không… Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, các quỹ hưu trí bổ sung, kể cả hình thức tự nguyện hay bắt buộc, chủ yếu do khu vực tư nhân quản lý thông qua các công ty quản lý quỹ và chịu sự điều chỉnh, quản lý, giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý nhà nước (thường là UBCK và cơ quan quản lý về lao động).
Tại Việt Nam, khối công ty quản lý quỹ chưa có bề dày hoạt động như khối ngân hàng hay công ty bảo hiểm, nhưng đây lại là khối công ty giữ vai trò tạo dựng, quản lý và dẫn dắt sự phát triển của loại hình quỹ hưu trí tự nguyện trên nhiều thị trường quốc tế. VFM, SSIAM… đang đặt những viên gạch đầu tiên góp sức hoàn thiện khung pháp lý và chuẩn bị điều kiện triển khai sản phẩm quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam.
Nỗ lực của các DN này rất cần được các nhà quản lý trân trọng, khích lệ, để cùng góp sức tạo dựng, phát triển sản phẩm quỹ hưu trí tự nguyện theo đúng nghĩa tại Việt Nam, kích hoạt vai trò thứ 4 của TTCK và quan trọng hơn là vì một nền kinh tế có chất lượng an sinh xã hội tốt hơn trong tương lai.
đầu tư chứng khoán
|