Người tiêu dùng đã chịu... xài tiền
Nhiều doanh nghiệp đang gấp rút triển khai kế hoạch kinh doanh trong 2 tháng thấp điểm cũng như 3 tháng cuối năm, tạo lực đẩy cải thiện sức mua
Ngân hàng ANZ vừa công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam trong tháng 6 tăng 2,9 điểm và đạt 143,1 điểm - mức cao kỷ lục. Đại diện Ngân hàng ANZ cho rằng chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam phản ánh sự phục hồi nền kinh tế một cách rõ nét.
Nhà bán lẻ lạc quan
Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy các tín hiệu tích cực về sự phục hồi sức mua, tổng cầu. Tại TP HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 323.232 tỉ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ.
Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart Ảnh: Hoàng Triều
|
Các nhà bán lẻ lớn tại TP HCM tỏ ra khá lạc quan. Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing hệ thống siêu thị Co.opmart, cho rằng kết quả khảo sát của ANZ khá trùng khớp với kết quả khảo sát riêng của hệ thống Co.opmart, cho thấy thị trường sẽ sáng sủa hơn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là niềm tin của người tiêu dùng, cần có độ trễ để niềm tin biến thành hành động mua sắm và dự kiến thị trường các tháng cuối năm sẽ sôi động hơn.
Còn theo ông Trần Phạm Phúc Nguyên, Giám đốc marketing Lotte Mart Việt Nam, tín hiệu vui cho thị trường là sức mua các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đang tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2014 (các mặt hàng không thuộc nhóm hàng thiết yếu vẫn tăng trưởng thấp).
Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh cũng cho biết thị trường đang có nhiều dấu hiệu tích cực. “Đang mùa thấp điểm nhưng sức mua không giảm nhiều, người tiêu dùng đã chịu “móc hầu bao” hơn so với trước - đó là tín hiệu vui. Hy vọng đến cuối năm sức mua sẽ phục hồi tốt” - bà Lê Thanh Lâm, Phó Giám đốc Công ty CP SG Food, nói.
Cạnh tranh trong thời khó
Theo các chuyên gia bán lẻ, phải chờ hết 6 tháng cuối năm mới có thể kết luận được “sức khỏe” của thị trường. Quý I/2015 là thời điểm Tết âm lịch, tiêu dùng tăng vọt nhưng qua tháng 4 thì sức mua rớt thê thảm, đến cuối tháng 5 mới nhích lên lại. Ngoài ra, thị trường bán lẻ hàng hóa dịch vụ cạnh tranh khốc liệt, hàng loạt cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, đại siêu thị… được mở mới và sẽ còn mở nhiều hơn. Trong lúc khốn khó, DN nào cũng cố gắng chăm sóc tốt khách hàng, tăng khuyến mãi, tăng hậu mãi để giữ thị phần… Đó cũng là những yếu tố kích thích tiêu dùng tăng, người tiêu dùng đã chi tiêu thoải mái hơn.
Trước những tín hiệu lạc quan bước đầu, nhiều DN đang gấp rút triển khai kế hoạch kinh doanh trong 2 tháng thấp điểm sắp tới cũng như 3 tháng cuối năm. Khuyến mãi, giảm giá vẫn là chọn lựa của các DN. Từ nay đến tháng 8, người dân ưu tiên mua sắm để chuẩn bị cho năm học mới. Vì thế các siêu thị sẽ chạy chương trình khuyến mãi nhiều hơn trong thời gian này, dành ưu đãi cho các mặt hàng phục vụ mùa khai trường và hàng bình ổn để thu hút khách. “DN - đặc biệt là nhà bán lẻ - phải tạo đột phá để tăng trưởng nhưng chắc chắn không phải là đột phá về giá” - ông Võ Hoàng Anh nói.
Lotte Mart xác định hướng đi là tập trung đẩy sức mua ở nhóm khách hàng thành viên, thêm nhiều ưu đãi, giá trị gia tăng cho nhóm khách hàng này. Ngân sách cho quảng bá thương hiệu cũng tăng vọt.
Tăng cao nhất trong 4 năm qua
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết 6 tháng đầu năm 2015, tổng mức bán hàng hóa tăng gần 9%, sức mua thực có chuyển biến tích cực, cao nhất trong 4 năm qua do lạm phát được kiềm chế.
Nguyên nhân được Bộ Công Thương đưa ra là do sự phối hợp nhịp nhàng trong điều hành các mặt hàng thiết yếu, trong công tác kiểm tra, giám sát thị trường; sự đồng hành của các địa phương với DN, hộ kinh doanh trong công tác bình ổn thị trường; theo dõi, giám sát thị trường định kỳ… Ngoài ra, các chỉ tiêu kinh tế khởi sắc trong 2 quý đầu năm (như GDP tăng 6,28%; số DN thành lập mới tăng 21,7% so với cùng kỳ; số DN chấm dứt hoạt động giảm 0,9%...) chứng tỏ nền kinh tế đang trên đà phục hồi, cũng giúp thúc đẩy sức mua tăng khá. Một nguyên nhân khách quan khác là nguồn cung nông sản, thực phẩm thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng ghi nhận tín hiệu khởi sắc của thị trường và lưu ý Tổ Điều hành thị trường trong nước cần tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, định hướng thị trường, minh bạch các thông tin về lộ trình điều hành giá một số hàng hóa thiết yếu, kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thị trường…P.Nhung
|
Đông Nghi
người lao động
|