Thứ Bảy, 27/06/2015 09:00

Kinh tế hồi phục vững chắc

Nửa chặng đường của năm 2015 trôi qua, những số liệu kinh tế vừa được công bố đã “hồng” hơn nhiều so với các năm trước xét từ góc độ đầu tư, tiêu dùng và sản xuất. Dù vậy, những thách thức cho 6 tháng cuối năm vẫn còn đó, đáng lưu ý là lĩnh vực nông nghiệp, XK, du lịch...

Sản xuất sứ vệ sinh ToTo. Ảnh: HỮU LINH

Nhiều điểm sáng tích cực

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tiếp tục xu hướng phục hồi của năm 2014. Cụ thể, GDP 6 tháng đầu năm ước tăng 6,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng cao nhất với mức tăng lên tới 8,36%; dịch vụ tăng 6,16%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thấp nhất với 2,16%.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi mạnh với mức tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,8%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng sáng sủa hơn khi tăng khoảng 9,76% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,7%).

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Công Thương) nhận định: Mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng cao nhất thuộc về lĩnh vực điện, kể cả điện tiêu dùng và điện sản xuất. Đó là tín hiệu tốt cho thấy ngành sản xuất đang phát triển vì nhu cầu điện cao. Trong các tháng vừa qua, sản xuất điện tăng mạnh hơn. Nhóm công nghiệp chế biến tăng 10% cũng là dấu hiệu tốt, vì so với cùng kì công nghiệp chế biến chỉ tăng 7,9%. Như thế công nghiệp chế biến có sự phục hồi rõ nét hơn. Thông qua chỉ số tiêu thụ tăng, tồn kho giảm, có thể thấy tăng trưởng sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm là rất đáng ghi nhận. Trong 6 tháng cuối năm sản xuất công nghiệp sẽ đạt kế hoạch đặt ra là tăng trưởng 7,8-7,9%.

Đánh giá các con số này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng: Tăng trưởng GDP rất chắc chắn. Đạt mức tăng trưởng này là nhờ chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9%. Điều này cho thấy chính sách đang đi đúng hướng.

Một điểm sáng rõ rệt khác là việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp kể từ năm 2001 lại đây. Bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,1%. Sau 6 tháng CPI tăng 0,55% so với cuối năm 2014. Dự báo CPI đến cuối năm có thể tăng ở mức 3-3,5%. Như vậy nếu không có những đột biến trong 6 tháng cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 sẽ đạt được mục tiêu đề ra của Quốc hội. Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, khi CPI giữ được ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, các DN có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng, mở rộng sản xuất, giảm giá thành, kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Một thước đo khác để đo lường sức khỏe nền kinh tế là tỷ lệ khai sinh, khai tử của DN. Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Trong nửa đầu năm, tình hình hoạt động của các DN cũng dần phục hồi. Cả nước có trên 45.000 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn gần 282.400 tỷ đồng, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN đạt 6,2 tỷ đồng, tăng 0,5%. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm là hơn 4.700 DN, giảm 0,9% so với cùng kỳ. Số DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động là trên 27.000 DN, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Bình luận về con số này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng: Tỷ lệ DN thành lập mới đã lớn hơn số DN phải giải thể, tạm ngừng hoạt động là tín hiệu đáng mừng.

Còn những khoảng lặng...

Một trong những âu lo nổi lên hàng đầu về kinh tế 6 tháng đầu năm là sản xuất nông nghiệp. 6 tháng đầu năm, nếu như ngành công nghiệp và xây dựng đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng GDP thì ngành nông nghiệp lại chỉ "góp" vỏn vẹn 2,16%. Một đại diện của Bộ NN&PTNT trăn trở: "Thị trường trong nước bão hòa nên phải phụ thuộc vào XK. Nhưng thị trường XK khó khăn, khiến gạo giảm cả về khối lượng và giá trị XK. Cà phê cũng giảm mạnh. Đây là nguyên nhân chính làm giảm sự phát triển của ngành nông nghiệp vừa qua".

Ngoài ra, kim ngạch XK trong 6 tháng đầu năm vẫn còn rất khó khăn. Đáng lo là XK của khu vực trong nước tiếp tục đà suy giảm với mức giảm 2,9%. Tăng trưởng XK chủ yếu vẫn dựa vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực này vẫn tăng trưởng XK tới 20,8% (chiếm 67,8% tổng kim ngạch XK).

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư cảm thấy thực sự lo lắng cho vấn đề XK. Bởi lẽ XK của DN nội vẫn rất khó khăn và yếu thế hơn hẳn DN nước ngoài. Đây là thực trạng đã tồn tại trong nhiều năm vừa qua. Theo bà Hiền, kim ngạch XK giảm chủ yếu là do nhóm hàng XK nông lâm thủy sản, khoáng sản giảm cả về giá lẫn sản lượng. Ngoài ra, nguồn cung thế giới có tăng, trong khi nhu cầu chưa tăng tương ứng nên tạo sức ép giảm giá XK. Những tháng đầu năm, trước khi có các sự điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, việc đồng USD lên giá đã làm hàng hóa của Việt Nam kém sức cạnh tranh hơn đối với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Brazil… Việc đồng Euro, đồng Yên giảm giá cũng ảnh hưởng đến hàng XK của Việt Nam. Bên cạnh đó, các nước NK tiếp tục tăng cường chính sách bảo hộ, các vụ kiện chống bán phá giá ngày càng tăng, nhất là thủy sản vào EU, Nhật Bản. Đây là khó khăn lớn và là nguyên nhân khiến XK thủy sản giảm mạnh. Mức độ gắn kết của ngành nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ chưa chặt chẽ cũng là yếu tố cản trở XK của ta.

“Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo có sự tăng trưởng tốt nhất, tuy nhiên tăng trưởng nhóm này chủ yếu thuộc về khối DN FDI. DN FDI có lợi thế hơn vì họ có tiềm năng tài chính mạnh hơn, thị trường ổn định. Còn DN trong nước phải cạnh tranh vất vả, tiềm lực tài chính không tốt, cho nên các DN XK trong nước cũng gặp khó khăn trong XK” - bà Nguyễn Thúy Hiền lưu ý.

Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, XK 6 tháng cuối năm phải rất nỗ lực mới đạt kế hoạch tăng trưởng XK cho cả năm 2015. Mặc dù theo quy luật XK những tháng cuối năm thường đẩy mạnh hơn và tỷ trọng cao hơn nhưng vẫn ẩn chứa nhiều khó khăn như thị trường tiêu thụ và sự cạnh tranh ác liệt.

Ngoài nông nghiệp và XK, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng: Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sụt giảm tới 11,3% so với cùng kỳ năm 2014 là vấn đề thực sự phải quan tâm và phân tích làm rõ. Tại sao một số địa phương khách du lịch đến vẫn tăng trong khi nhiều địa phương khác lại giảm và mức chung của cả nước giảm?

Tuy lạm phát thấp là điểm sáng, nhưng theo Tổng cục Thống kê, những rủi ro tiềm ẩn về giá xăng dầu khi tăng trở lại tạo áp lực nhất định cho công tác kiểm soát lạm phát. Việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng quan trọng như giá thuốc, giá điện… đã làm CPI chung tăng lên. Do đó, thời gian tới, các Bộ Tài chính, Công Thương… vẫn phải theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Mỗi lần định tăng giá mặt hàng nào đó, cần cân nhắc thời gian điều chỉnh để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu 6 tháng đầu năm 2015

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 6,11% so với cùng kỳ năm trước

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2015 tăng 0,55% so với tháng 12 năm trước

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,8%)

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,76% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,7%)

Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 3,8 triệu lượt khách, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ 2014 tăng 21,1%)

Kim ngạch XK 6 tháng ước đạt 77,7 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014

Kim ngạch NK 6 tháng ước đạt 81,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2014

Nhập siêu 6 tháng khoảng 3,75 tỷ USD, bằng 4,8% kim ngạch XK

Thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt khoảng 553,8 nghìn tỷ đồng

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 5,49 tỷ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2014

Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 6,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014

Thu nội địa từ đầu năm đến ngày 15-6 đạt 406,16 nghìn tỷ đồng, bằng 44,6% dự toán.

(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Lương Bằng

Hải quan

Các tin tức khác

>   "Tăng trưởng GDP và nhiều chỉ tiêu kinh tế sẽ về đích ấn tượng" (26/06/2015)

>   Giá cả sinh hoạt ở TP.HCM rẻ hơn Lai Châu, Sơn La... (26/06/2015)

>   Phó thủ tướng: “Đảm bảo đúng lộ trình tăng lương” (26/06/2015)

>   Số doanh nghiệp thành lập mới gia tăng (25/06/2015)

>   Tăng trưởng cao, nhưng nội lực yếu (25/06/2015)

>   Kinh tế TP.Hồ Chí Minh duy trì đà tăng trưởng 4 năm liên tiếp (24/06/2015)

>   “Tuyệt đối tránh dùng dự trữ ngoại hối tài trợ đầu tư công” (24/06/2015)

>   GDP tăng cao nhất 5 năm (24/06/2015)

>   Giá xăng dầu đẩy CPI tăng cao nhất từ đầu năm (24/06/2015)

>   Để bức tranh kinh tế - xã hội “chuẩn” hơn (24/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật