Nghịch lý CPI và tăng trưởng
Sáng 30-6, tại Hội thảo:“Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 và dự báo” do Viện Kinh tế- Tài chính, Học viện Tài chính tổ chức, phân tích nghịch lý giữa tăng trưởng kinh tế và CPI, PGS.TS Ngô Văn Hiền, Học viện Tài chính cho rằng đó là dấu hiệu bất thường trong nền kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế hiến kế ổn định kinh tế vĩ mô.
|
Lo ngại giảm phát
Bức tranh kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2015 với các chỉ số tăng trưởng kinh tế tăng 6,28%, cao hơn mức tăng 5,18% của cùng kỳ năm trước. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu trong trong 6 tháng đầu năm đều ổn định và tăng trưởng tích cực.
Đây là minh chứng cho sự đúng hướng và thực thi hiệu quả của các giải pháp kinh tế vĩ mô của Chính phủ với quan điểm lấy ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 6-2015 tăng 0,55% so với tháng 12-2014 và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất của chỉ số CPI trong tháng 6 kể từ năm 2001 đến nay.
Sau nửa năm lạm phát mới chỉ là 0,55% bằng gần 1/10 mục tiêu lạm phát cả năm và thấp nhất trong 14 năm trở lại đây. Nếu so với cùng kỳ năm 2014 CPI 6 tháng đầu năm 2014 là 1,38%. Điều này làm dấy lên lo ngại theo ý kiến phân tích của một số chuyên gia kinh tế tại cuộc Hội thảo.
Theo TS. Ngô Vân Hiền (Học viện Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2015, cho thấy những dấu hiệu bất thường trong nền kinh tế. CPI tăng chậm trong khi nhiều chỉ số tăng trưởng tăng cao.
Phân tích từ hai dữ liệu này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 6,28% trong 6 tháng đầu năm 2015, CPI ở mức 0,55% so với tháng 12-2014 và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, nguy cơ nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát đang lớn hơn nhiều so với nguy cơ lạm phát cao quay trở lại như trước đây.
Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2015, công tác quản lý, điều hành giá cả tiếp tục đạt những kết quả tích cực, góp phần bình ổn giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng tháng tăng thấp ở mức thấp so với cùng kỳ các năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm ở mức 5% như Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.
Việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng nhiên liệu, năng lượng tiếp tục được điều hành theo cơ chế thị trường có tính đến ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng theo hướng công khai, minh bạch hơn, mang lại lòng tin cho người tiêu dùng, giảm áp lực lạm phát do tâm lý.
Mức lạm phát thấp hoàn toàn khả thi
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, chỉ số CPI có xu hướng tăng vào những tháng cuối năm tuy nhiên chưa đối ổn định. Sự thay đổi khác thường của CPI so với các chỉ tiêu kinh tế khác cho thấy nền kinh tế Việt Nam hiện đang phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế thế giới và kinh tế trong nước kém ổn định.
Do đó, để tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, trong những tháng cuối năm, TS. Nguyễn Đức Độ đề nghị cần theo dõi sát diễn biến của thị trường; kiểm soát giá cả, tỷ giá và quản lý thị trường.
Đồng thời, điều hành linh hoạt giá các đầu vào thiết yếu của sản xuất như điện, than, phân bón và giá các dịch vụ y tế và giáo dục, tránh dồn vào cùng một thời điểm sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng của cả nước.
Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi tham gia vào tiến trình hội nhập ngày càng sâu do năng lực cạnh tranh thấp, thương hiệu sản phẩm yếu và uy tín doanh nghiệp chưa có nhiều cải thiện.
Bên cạnh đó, tình hình cung, cầu trên thị trường thế giới còn nhiều biến động phức tạp gây áp lực cạnh tranh cho xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, để đảm bảo cho nền kinh tế khởi sắc cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường, khích thích sản xuất, tiêu dùng mới có thể kỳ vọng những tháng cuối năm nền kinh tế mới có thể hồi phục vững chắc chắn.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, dự báo lạm phát năm nay ở mức từ 2,5%- 2,7% là mức lạm phát thấp và khả năng đạt mục tiêu Nghị quyết Quốc hội dưới 5% là hoàn toàn khả thi.
Trong ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã rất thành công trong kiềm chế lạm phát từ mức 19,89% năm 2008 đã kéo xuống mức thấp 4,3% năm 2014 và 1% 6 tháng đấu năm 2015 so với cung kỳ và tăng bình quân 0,86%.
Đây là điều kiện quan trong để ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo cho sự ổn định lãi suất, ổn định tỷ giá, cũng là điều kiện tiên quyết cho ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.
|
Minh Anh
báo hải quan
|