Một số nước chỉ có thể "sống chung" với số nợ công lớn
Theo ba nhà kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là ông Jonathan Ostry, Atish Ghosh và Raphael Espinoza, một số nước có nợ công lớn chỉ có thể sống chung với nó bởi việc giảm nợ có những rủi ro.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: usnews.com)
|
Khu vực sử dụng đồng euro và các nền kinh tế phát triển khác đang phải đương đầu với số nợ phình to sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009. Một số phải đối mặt với sức ép từ các thị trường trong việc củng cố tài chính nhanh chóng.
IMF đã cảnh báo việc cắt giảm chi tiêu hay tăng thuế quá nhanh sau khủng hoảng có thể gây tác động bất lợi cho tăng trưởng.
Trên quan điểm đó của IMF, ba nhà kinh tế nói trên cho rằng các nước có thể huy động tài chính từ các thị trường với chi phí hợp lý, tránh được tác động tiêu cực về kinh tế của các biện pháp khắc khổ.
Theo các nhà kinh tế này, thay vì trả nợ, điều sẽ làm nền kinh tế méo mó hơn, với những tác động lên đầu tư và tăng trưởng, các nước có thể chờ tỷ lệ nợ giảm nhờ tăng trưởng kinh tế cao hơn hay tăng thu thuế theo thời gian.
Các nhà kinh tế của IMF dẫn một biểu đồ năm 2014 của Moody's Analytics, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển gồm cả Mỹ, Anh và Đức được đặt ở vùng xanh, tức có không gian tài chính rộng rãi, có nghĩa không cần cắt giảm nợ nhanh chóng, trong khi Pháp, Tây Ban Nha và Ireland cần thận trọng với nợ, Bồ Đào Nha đứng trước rủi ro đáng kể, còn Nhật Bản, Italy, Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus đối mặt với rủi ro nghiêm trọng, phải cắt giảm nợ.
Lê Minh
vietnam+
|