Rúp Nga rớt giá mạnh vì xung đột Ukraine leo thang
Cuộc đụng độ lớn nhất trong 3 tháng giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy thân Nga tại miền Đông Ukraine ngày 3/6 đã khiến giới đầu tư quan ngại về khả năng Moscow bị phương Tây siết trừng phạt. Đồng Rúp sụt giá mạnh trước diễn biến này.
Dù đã tăng giá 11% trong năm nay và trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất trên thế giới, đồng Rúp hiện vẫn yếu hơn 34% so với thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014
|
Theo hãng tin Bloomberg, đồng Rúp đã có phiên giảm giá mạnh nhất trong hơn 6 tuần, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Nga kỳ hạn 5 năm tăng lên mức cao nhất trong 1 tháng. Các tài sản Nga đã bị các nhà đầu tư bán ra mạnh.
Căng thẳng leo thang đang có nguy cơ phá vỡ lệnh ngừng bắn đã được duy trì 3 tháng ở miền Đông Ukraine, đồng thời đẩy cao rủi ro trước một cuộc họp của Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng này để rà soát lại các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
“Những diễn biến mới nhất có ý nghĩa tiêu cực đối với cả đồng Rúp và trái phiếu Nga”, nhà quản lý quỹ Paul McNamara thuộc công ty GAM UK ở London nhận xét. “Những diễn biến này làm gia tăng khả năng châu Âu kéo dài lệnh trừng phạt” đối với Nga.
Tỷ giá đồng Rúp so với đồng USD đã giảm 2,8% tính đến buổi tối ngày 3/6 theo giờ Moscow, còn khoảng 54,3 Rúp đổi 1 USD. Đồng tiền của Nga cũng mất giá 3,3% so với đồng Euro, còn hơn 61 Rúp đổi 1 USD. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nga kỳ hạn 5 năm tăng thêm 0,1 điểm phần trăm lên 11%.
Trước đó, từ đầu năm, sự phục hồi của giá dầu và lệnh ngừng bắn được duy trì ở miền Đông Ukaine đã khuyến khích nhiều nhà đầu tư quay trở lại với tài sản Nga. Khi đó, giới đầu tư tin rằng các lệnh trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga do vai trò của Moscow trong cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine sẽ không bị siết chặt thêm.
Trong tháng 5, đồng Rúp có lúc tăng giá lên mức 48,83 Rúp tương đương 1 USD, mức cao nhất trong gần 6 tháng.
Bạo lực leo thang trở lại ở miền Đông Ukraine ngày 3/6 có nguy cơ đảo ngược sự phục hồi của tỷ giá đồng Rúp nói riêng và giá các tài sản Nga nói chung.
Quân đội Ukraine nói phe nổi dậy đã mở một cuộc tấn công với sự tham gia của hơn 1.000 quân, trên 10 xe tăng và súng cối. Trong khi đó, quân ly khai nói họ chỉ tự vệ trước cuộc tấn công của quân đội chính phủ.
“Bất kỳ dấu hiệu nào về leo thang xung đột ở Ukraine cũng sẽ gây quan ngại trên thị trường Nga”, nhà phân tích William Jackson thuộc công ty Capital Economics ở London nhận xét. “Xung đột gia tăng kéo theo khả năng lệnh trừng phạt nhằm vào Nga có thể được gia hạn hoặc tăng cường”.
Dù đã tăng giá 11% trong năm nay và trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất trên thế giới, đồng Rúp hiện vẫn yếu hơn 34% so với thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014.
Trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá các tài sản Nga chịu sức ép giảm do Ngân hàng Trung ương và Chính phủ nước này mua vào đồng USD. Đây là động thái mà giới phân tích cho là nhằm kiềm chế đà tăng giá mạnh của đồng Rúp - nhân tố gây khó cho lĩnh vực xuất khẩu và làm gia tăng thâm hụt ngân sách của Nga.
Ông Dmitry Dudkin, trưởng bộ phận nghiên cứu trái phiếu thuộc quỹ đầu tư UralSib Capital, nói rằng, bất kỳ sư leo thang xung đột nào ở Ukraine cũng sẽ làm gia tăng thêm áp lực bán ra các tài sản Nga.
Diệp Vũ
vneconomy
|