Thứ Bảy, 27/06/2015 10:17

Công khai người đứng đầu DN không hoàn thành CPH

ắp tới, việc nêu đích danh người đứng đầu các cơ quan, DNNN không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa sẽ được thực hiện cụ thể chứ không chỉ là cảnh báo từ phía Chính phủ nữa.

Sáng ngày 25/6, chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu: “Sắp tới phải báo cáo việc không hoàn thành cổ phần hóa vì thực tế đã có sự chậm chễ trong chỉ đạo và thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước”.

Phó Thủ tướng cho hay: “Tôi đã nghe các đồng chí báo cáo là có trường hợp như vậy rồi và tôi đã cho kiểm điểm để xử lý trách nhiệm người đứng đầu”.

Trong hơn 1 năm qua, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu cách chức, điều chuyển công tác (sang vị trí thấp hơn),... những người đứng đầu những DNNN chậm chạp cổ phần hóa (CPH), muốn “giữ ghế” hơn là muốn thay đổi, góp sức cho DN hoạt động ngày một hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, sau một năm rưỡi Chính phủ đặt quyết tâm thực hiện thì tới nay “nhìn chung tiến độ CPH vẫn chậm chạp”, theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hội nghị.

Nhưng liệu việc CPH vẫn chậm (còn 228 DNNN phải CPH trong 6 tháng cuối năm 2015) còn có nguyên nhân từ sự chậm trễ trong việc ban hành chính sách, cơ chế và hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành?

Thực tế là tại Hội nghị sáng 25/6, lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước mặc dù khẳng định quyết tâm hoàn thành CPH đúng tiến độ nhưng cũng nêu những khó khăn khách quan và cả chủ quan mà các đơn vị đang gặp phải.

Đó là nhiều DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tài chính phức tạp nên để CPH thành công cần có sự tham gia của các nhà đầu tư lớn và có tiềm lực tài chính.

Quy định về mức phí bán đấu giá cổ phần thông qua Sở Giao dịch chứng khoán còn bất cập, khó xử lý cổ phần không bán hết... Ngoài ra, còn có nhiều công ty CPH nhưng không có nhà đầu tư đăng ký mua hay đấu giá lần 2 không thành công.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết các nội dung tháo gỡ khó khăn cho CPH đã được Chính phủ nêu rõ trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 (Nghị quyết 40).

Đồng thời, Bộ Tài chính đã dự thảo một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo trình tự rút gọn để thể chế hóa các nội dung này. Hiện dự thảo Quyết định này đang được gấp rút lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành.

“Tuy nhiên, tôi cũng không nghĩ là vì vướng chính sách, chế độ mà chậm CPH đâu. Chẳng có trường hợp nào đã gửi kế hoạch, phương án cổ phần hóa, thoái vốn mà còn đọng lại trên bàn làm việc của chúng tôi. Kể cả những trường hợp phải xử lý cá biệt, kể cả bán trọn theo lô đều đã được xử lý cả rồi. Nhiều khi xử lý qua điện thoại cũng rất nhanh, các đồng chí cứ yên tâm đi”, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu khẳng định.

Không nhìn nhận một chiều, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận xét cho rằng việc chậm CPH cũng có nguyên nhân từ phía chậm ban hành cơ chế, chính sách.

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, các Bộ, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn khá nhiều DN phải hoàn thành CPH trong 6 tháng cuối năm là: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Hải Dương, Nam Định, Tiền Giang, Thừa Thiên- Huế, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ.

“Chúng ta phát hiện vấn đề sớm, xử lý thực tiễn sớm nhưng để biến thành quy định chung, để mọi người cùng nhìn vào thực hiện thì vẫn còn bị chậm. Ví dụ việc bán cổ phần theo lô thì trên thực thế có rồi, làm rồi (SCIC đã thực hiện nhiều năm qua - PV) thì đến vừa rồi mới đưa vào Nghị quyết Chính phủ và việc cụ thể hóa cũng mất thời gian”, Phó Thủ tướng nhận xét.

Do vậy, ngoài trách nhiệm của người đứng đầu các DNNN, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh còn đề cập tới trách nhiệm người đứng đầu các Bộ, tỉnh, thành trực thuộc Trung ương tới nay chưa thực sự bắt tay vào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong CPH.

Tuy nhiên, một số Bộ cũng đưa ra những cái khó riêng của mình. Như Bộ Công Thương, đến nay vẫn là đơn vị có số DNNN cần phải CPH nhiều nhất trước hạn chót 31/12/2015.

Cuối năm 2014, trong cuộc họp tổng kết hoạt động năm 2014 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết có nhiều trường hợp lãnh đạo DNNN không muốn CPH mặc dù lãnh đạo Bộ “đe” sẽ điều chuyển vị trí. Nhưng rồi Bộ cũng khó tìm được người thay thế để thực hiện CPH.

Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, một lãnh đạo Ban Chỉ đạo thẳng thắn: “Dù gì đi chăng nữa thì đó cũng là trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Công Thương khi hành lang pháp lý và cơ chế đều đã đầy đủ cả. Nếu không tìm được người thì lãnh đạo Bộ phải trực tiếp thực hiện”.

Chỉ còn 6 tháng nữa là đến hạn chót phải hoàn thành CPH 228 DNNN (trung bình mỗi ngày phải hoàn thành CPH hơn 1 doanh nghiệp). Có thể nói, đây là nhiệm vụ nặng nề của các Bộ, địa phương và trực tiếp là lãnh đạo các DNNN. Nhưng quyết tâm thực hiện thì vẫn có thể hoàn thành được chỉ tiêu này, theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đánh giá.

Đồng thời, như Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu, đã đến lúc phải công khai những người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ.

Đi đầu là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - một DN vẫn được coi là chậm đổi mới, tái cấu trúc nhất trong các DN ngành Giao thông. Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty cho biết đã báo cáo Bộ GTVT thay thế người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty CP Dịch vụ vận tải đường sắt khu vực I (Tổng Công ty nắm giữ 40% cổ phần) trong tháng 6 này vì đã không hợp tác trong công tác thoái vốn và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh yếu kém.

Thành Chung

chính phủ

Các tin tức khác

>   IPO Nội thất Xuân Hòa: Đấu giá thành công 100% thu về gần 60 tỷ đồng (26/06/2015)

>   Cổ phần hóa TCty Điện lực Dầu khí Việt Nam (26/06/2015)

>   Mới bán được hai doanh nghiệp nhà nước (25/06/2015)

>   IPO Cảng Sài Gòn: 39 nhà đầu tư đăng ký mua hơn 45 triệu cp (26/06/2015)

>   IPO Cơ khí Đóng tàu - Vinacomin: 1 cá nhân trúng thầu với giá 23,500 đồng/cp (24/06/2015)

>   IPO Nội thất Xuân Hòa: Khối lượng đăng ký mua gấp rưỡi lượng chào bán (24/06/2015)

>   2 nhà đầu tư đăng ký mua hơn 4.7 triệu cp của CTCP Sơn Chất Dẻo (24/06/2015)

>   Đề cao tính minh bạch trong cổ phần hóa DNNN (23/06/2015)

>   IPO Dịch vụ Tràng Thi: 2 cá nhân "hốt" hết 3.1 triệu cp giá tới 82,000 đồng/cp (22/06/2015)

>   VNPT đấu giá 1.32 triệu cp Tin học - Viễn thông Hàng không giá khởi điểm 16,900 đồng/cp (23/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật